Flores đến Việt Nam thách đấu với võ sĩ Bảo Châu có vi phạm pháp luật không?

authorHoàng Dương 13:20 14/07/2017

(VietQ.vn) - "Pháp luật VN hiện nay không cho tổ chức các trận thách đấu tự phát như trận đấu giữa võ sĩ Canada với võ sĩ Bảo Châu", là khẳng định của Ls Đặng Văn Cường Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội về việc này.

Trận đấu giao lưu mà võ sư Đoàn Bảo Châu bị võ sư Pierre Francois Flores “hạ gục” chóng vánh chỉ trong vòng chưa đầy 4 phút đã “gây bão” với cộng đồng mạng và nhận được sự quan tâm của giới võ thuật, với nhiều đoạn video được lan truyền trong những ngày qua.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về góc độ pháp lý, Ls Đặng Văn Cường Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay không cho tổ chức các trận thách đấu tự phát như trận đấu giữa võ sĩ Canada với võ sĩ Bảo Châu.

Pháp luật VN hiện nay không cho tổ chức các trận thách đấu tự phát như trận đấu giữa võ sĩ Canada với võ sĩ Bảo Châu

Pháp luật VN hiện nay không cho tổ chức các trận thách đấu tự phát như trận đấu giữa võ sĩ Canada với võ sĩ Bảo Châu - Ảnh Internet.

Theo luật sư Cường, võ thuật là môn thể thao có tính đối kháng và sát thương cao, rất dễ gây thương tích, thậm chí có thể đoạt mạng đối thủ bằng các đòn hiểm.

Vì vậy, khi thi đấu thể thao thì cấm các đòn hiểm có thể đoạt mạng đối phương và các đòn đánh sẽ là tiêu chí tính điểm số chứ không nhất thiết cứ phải Knockout được đối thủ mới là người chiến thắng. Trận đấu phải có sàn thi đấu đảm bảo an toàn, phải có dụng cụ (găng, hàm giả, mũ....), phải kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu; các cặp thi đấu phải sàn hạng cân và sàn lứa tuổi; phải có bác sĩ, nhân viên y tế và các dụng cụ cứu thương chuyên nghiệp...

Luật thi đấu võ thuật đã được quy đinh cụ thể tại Quyết định số 771/QĐ-UBTDTT ngày 30/5/2002 của Uỷ ban TDTT. Luật thi đấu Võ cổ truyền mới được Tổng cục Thể dục thể thao ban hành qua Quyết định số 438/QĐ-TCTDTT ký ngày 27 tháng 4 năm 2016, được áp dụng cho tất cả các giải đấu từ năm 2016.

Bởi tính chất nguy hiểm của các trận đấu và dễ kích động giữa các cá nhân, tổ chức, bang phái, dễ gây mất ổn định xã hội nên việc thi đấu phải theo luật, phải có luật, phải có sự quản lý của Nhà nước.

Vì thế tất cả các cuộc thi đấu, dù là đơn lẻ thì cũng phải được luật pháp cho phép mới có thể được diễn ra hợp pháp, mới đảm bảo an toàn cho các bên và an toàn cho xã hội. Tất cả các cuộc tỉ thí tự phát khác đều vi phạm luật. Những trận đấu như vậy, ngoài nguy cơ mất an toàn, còn có thể gây ảnh hưởng và kích động tính bạo lực, hơn thua trong nhiều người. Nghiêm trọng hơn còn tạo nên làn sóng đối đầu bài xích, hơn thua giữa các bộ môn võ, gây mất an ninh trật tự.

Theo thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng có quy định rõ là đơn vị tổ chức giải phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền của địa phương và Trung ương (nếu tổ chức tại thành phố trực thuộc Tw)

Nếu trong các cuộc thi đấu tự phát mà để xảy ra thương tích từ 11% trở lên hoặc thiệt mạng cho đối phương thì kẻ "chiến thắng" có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Vì thế, sau trận đấu vừa rồi thì các võ sĩ cần bình tĩnh và tuân thủ pháp luật không nên vì hào hứng hoặc hơn thua mà tiếp tục các cuộc tỉ thí tự phát nguy hiểm như vậy.

Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang