Phạt đội mũ không phải mũ bảo hiểm: Hàng xịn chiếm lĩnh thị trường

author 06:57 30/06/2014

(VietQ.vn) - Từ ngày 1/7, chiến dịch kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) không đảm bảo chất lượng sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Tính tới thời điểm này, nhiều người dân khi chọn mua các loại MBH đã bắt đầu chú ý hơn tới chất lượng của sản phẩm thay vì chỉ mua các loại mũ để "đối phó" như trước đây...

Sự kiện:

Tin tức trên báo PLVN cho biết, khảo sát tại một số tuyến đường, tuyến phố là "điểm nóng" về kinh doanh mũ bảo hiểm trước đây như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Chùa Bộc, đường Láng (Đống Đa), Phạm Hùng, Giải Phóng... ở thời điểm hiện tại đã không còn cảnh nhốn nháo mua bán tại các quầy, sạp bán mũ nhựa thời trang. Cách đây chưa lâu, các tuyến phố này thường là "bến đỗ" của hàng loạt mũ bảo hiểm thời trang, mũ bảo hiểm kém chất lượng nằm la liệt trên những chiếc xe, tấm bạt được người bán trải ngay trên vỉa hè. 

Mũ bảo hiểm bày bán ngoài thị trường

Mũ bảo hiểm bày bán ngoài thị trường

Theo chị Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây các loại mũ thời trang bán rất chạy là do có đủ kiểu dáng thời trang, màu sắc đẹp, bắt mắt, giá bán lại rẻ chỉ từ 30 - 50 nghìn đồng/chiếc. Đặc biệt loại mũ này phù hợp với tâm lý chỉ nhằm đối phó với công an của người tham gia giao thông nên những chiếc mũ để “đối phó” như vậy chiếm ưu thế hơn hắn so với các loại mũ bảo hiểm chính hãng.
Ở thời điểm hiện nay các điểm bán mũ thời trang gần như không còn "đất sống" và phần lớn số mũ bảo hiểm được bày bán đều có dán tem kiểm định chất lượng của một số hãng như Epic, Chita, Protec, Amoro,.. Anh Trần Văn Hùng (phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi khi mua mũ bảo hiểm thường ít quan tâm đến chất lượng của mũ mà chỉ chú trọng đến yếu tố thời trang và giá cả nhưng nay khi nghe thông tin trên báo, đài về việc kiểm tra, xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chất lượng nên quyết định không dùng mũ thời trang nữa mà sẽ mua và đội mũ bảo hiểm chính hãng để bảo đảm an toàn và tránh bị xử phạt.
Nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm cho biết, ở thời điểm hiện nay các mặt hàng mũ bảo hiểm thời trang đã gần như không thể bán được và các loại mũ bảo hiểm bán chạy nhất của một số hãng như Chita, Epic,… có giá thành khá hợp lý và lượng khách mua các sản phẩm mũ bảo hiểm chính hãng, có tem hợp quy, hợp chuẩn đã tăng khoảng 15 – 20% so với trước đây.
Qua tìm hiểu, nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh hiện tại không còn bày bán các loại mũ bảo hiểm thời trang, mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận như quy định với lý do khách hàng không còn nhu cầu, phần vì lo lắng sẽ bị tịch thu, xử phạt đối với những loại mũ không có tên và địa chỉ đơn vị sản xuất, trên sản phẩm không có tem hợp quy hoặc trong cửa hàng trà trộn, bán các sản hợp chuẩn, không có hóa đơn ghi xuất xứ hàng hóa.
Chị Vũ Thị Minh, chủ một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, trước đây để tránh không bị lỗ vốn nên cửa hàng có nhập thêm một ít mũ bảo hiểm thời trang để bán kèm với các sản phẩm chính hãng nhưng hiện nay nếu kinh doanh, buôn bán các loại mũ như vậy sẽ bị quản lý thị trường xử lý nghiêm nên cửa hàng đã quyết định ngừng không nhập về các loại mũ thời trang để tránh bị phạt.
Trao đổi với PV PLVN, ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cho biết, việc thực hiện chiến dịch kiểm tra xử lý mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng lần này nhằm tập trung loại bỏ các loại mũ không phải mũ bảo hiểm như mũ nhựa, mũ cối, mũ thời trang,... không có đủ 3 bộ phận (gọi là 3 lớp).
Ba bộ phận bao gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (đệm) và quai mũ. Đối với các loại mũ không đạt chuẩn như vậy thì chỉ cần nhìn trực quan là phát hiện được ngay đó không phải là mũ bảo hiểm. Ông Nguyễn Trọng Thái nhận định: "Nếu kiểm tra thì những loại mũ như vậy ngoài việc không có đủ ba bộ phận thì sẽ không có tem, không có nhãn dành cho người đi xe moto, xe gắn máy. Những người sử dụng các loại mũ như thế thường mang tính chất đối phó, không đảm bảo an toàn".
Theo ông Thái, chiến dịch kiểm tra, xử lý các loại mũ không đạt chuẩn như vậy ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân đồng thời góp phần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu các loại mũ này nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc tăng cường quản lý lưu thông, bày bán dọc các tuyến đường, vỉa hè vừa mất trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang, vi phạm về kinh doanh góp phần ngăn chặn nguồn cung cấp các loại mũ này ra ngoài thị trường.
Để không bị xử phạt và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) khuyến cáo: "Người tham gia giao thông bằng moto, xe máy nên đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhằm đảm bảo an toàn cho mình và cho người thân. Không nên sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm (không có đủ ba bộ phận: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ - PV) khi đi trên xe mô tô, xe máy". 

Sẽ xử nghiêm

Từ ngày 1-7, CSGT TP Cần Thơ sẽ xử phạt nghiêm người điều khiển môtô, xe máy, xe máy điện đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, kể cả người ngồi phía sau. Việc xử phạt thực hiện theo thủ tục đơn giản (xử phạt tại chỗ), biên lai theo mẫu đã có trước đây. Theo quy định, mũ bảo hiểm phải có nhãn “mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy”, tuy nhiên nhiều mũ bảo hiểm trước đây không có dán nhãn này. Trong trường hợp đó, CSGT chỉ nhắc nhở và yêu cầu đổi mũ khác cho phù hợp chứ không xử phạt, nhằm giải quyết theo hướng có lợi cho người dân.

 Đại tá Ngô Văn Chiến (trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai):

 

Cần có hóa đơn khi mua mũ bảo hiểm

Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về “Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy”, mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy có kết cấu gồm ba thành phần chính: vỏ cứng, lớp xốp giảm chấn và quai mũ có khóa cài. Tuy nhiên mũ bảo hiểm hợp lệ là loại được chứng nhận hợp quy bởi các tổ chức chứng nhận hợp quy do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định (danh sách hiện hành gồm bốn tổ chức: QUACERT, QUATEST 1, QUATEST 2, QUATEST 3, xin xem tại địa chỉ http://www.tcvn.gov.vn/default.asp). Trên mũ phải được dán tem chứng nhận hợp quy có tên của tổ chức chứng nhận hợp quy, phải có nhãn thể hiện tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, cỡ mũ, thời gian sản xuất.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại mũ giả mạo, kém chất lượng, vẫn có đủ ba thành phần theo quy định, cũng có tem chứng nhận hợp quy giả mạo, có chất lượng không phù hợp. Thường có thể nhận biết mũ bảo hiểm dỏm qua lớp vỏ không đủ cứng, dễ biến dạng khi dùng tay bóp nhẹ hai cạnh ngang mũ, lớp xốp mỏng hoặc rất mỏng, mềm, dễ để lại vết lõm khi bấm nhẹ ngón tay... Tuy nhiên việc nhận biết trong nhiều trường hợp là không dễ dàng đối với người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên mua các loại mũ bảo hiểm có nguồn gốc xuất xứ thể hiện trên tem dán tại các cửa hàng có địa chỉ kinh doanh rõ ràng và đại lý của các cơ sở sản xuất. Khi mua nên kiểm tra kỹ các dấu hiệu nêu trên, yêu cầu có hóa đơn để có cơ sở khiếu nại khi cần thiết. Không nên mua mũ bảo hiểm bày bán tại các nơi không có địa chỉ rõ ràng, trên vỉa hè, có nguồn gốc trôi nổi, không rõ xuất xứ, nhất là các loại mũ có lớp xốp quá mỏng, các loại mũ bơm hơi... Tin tức được đăng tải trên báo tuoitre cho hay.

Ông Hoàng Lâm (giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3)

 

Đan Nguyên (tổng hợp từ PLVN - Tuoitre)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang