Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan tỏa

author 09:16 12/12/2015

(VietQ.vn) - Ngày 10/12, Hội thảo "Phật giáo Trúc Lâm: Hội tụ và lan tỏa" vừa diễn ra tại Quảng Ninh, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá cùng tham luận về góc độ lịch sử, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm.

Sự kiện do Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 và tưởng niệm 707 năm ngày đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, học giả cùng tham luận về góc độ lịch sử, tư tưởng phật giáo và hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm. Thượng toạ Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, ban tổ chức đã nhận được gần 49 bài của các học giả gửi đến chương trình, thể hiện tính khoa học hấp dẫn của chủ đề Hội thảo.

Các tham luận tập trung vào 2 chủ đề: Thứ nhất là về vai trò, vị trí của thời Trần, của Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Trúc Lâm thời Trần cũng như thân thể, hành trạng, sự nghiệp của những nhân vật, những danh Tăng, những di tích... Thứ hai là những đặc điểm về nội dung, phương pháp hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm. Đâu là cội nguồn tạo nên sự hấp dẫn, sức sống mãnh liệt vượt không gian và thời gian của Phật giáo Trúc Lâm? Thông qua hoằng pháp đưa lại vấn đề có tính thời sự cấp thiết mà cuộc sống đang đặt ra với những người làm công tác Văn hoá - Tuyên giáo và những người làm Phật sự Hoằng pháp hiện nay.

Dịp lễ này cũng đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng tử trận Bạch Đằng; Pháp hội Dược sư cầu nguyện quốc thái dân an và Lễ chú tạo 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hộ quốc an dân và Lễ hội truyền đăng Phật giáo Trúc Lâm.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông - Điều Ngự Giác Hoàng sáng lập năm 1299, sau khi ngộ đạo tại chùa Hoa Yên - Yên Tử, Quảng Ninh ngày nay. Với tinh thần và trách nhiệm hội tụ, Ngài đã hợp nhất ba dòng Thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580); Vô Ngôn Thông (820) và Thảo Đường (1069) thành một, gọi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1299). Sự hợp nhất ấy tạo thành một Đạo Phật nhất Tông: Thiền Tông; một Giáo hội gọi là Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt.

Thiền pháp Trúc Lâm Yên Tử ra đời đã có ý nghĩa lớn lao đối với đất nước Đại Việt lúc bấy giờ, và còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với triều đại nhà Trần. Nhà Trần lấy Thiền Tông để thống nhất ý thức hệ dân tộc, làm phương tiện để củng cố bộ máy chính quyền, thu phục nhân tâm, phục hồi và phát triển nền tảng đạo đức xã hội có từ ngàn đời của dân tộc. Cũng nhờ tinh thần này mà ở thời cai trị của các vua Trần đã sản sinh ra rất nhiều những nhân tài đóng góp cho xã hội, những nhân cách cao đẹp, phản ánh đặc trưng tinh thần của thời đại: Khoan dung, rộng mở, dân chủ và dũng liệt.

L.Trang

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang