Phát hiện ếch bay tại Việt Nam

author 16:29 11/06/2014

(VietQ.vn) - Một loài ếch cây biết bay vừa được phát hiện tại các vùng đất thấp rừng nhiệt đới Việt Nam. Tuy nhiên loài ếch bay này đang bị đe dọa do mất môi trường sống.

Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) vừa công bố 367 loài động thực vật mới tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó có 99 loài được phát hiện ở Việt Nam.  

ếch bay tại Việt Nam

Ếch bay Helen tại Việt Nam. Ảnh: WWF cung cấp.

Trong số các loài được phát hiện ở Việt Nam đáng chú ý là loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae) được phát hiện cách TP HCM gần 100 km. Loài ếch xanh lớn này tránh sự chú ý của giới sinh vật học đến tận bây giờ nhờ việc lướt giữa các ngọn cây bằng các chi lớn và có màng; và chúng chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa. 

Phát hiện này bất ngờ bởi loài ếch mới hiện chỉ sống trong hai mảng rừng ở Việt Nam, đó là khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Bình Thuận và rừng Tân Phú, Đồng Nai. Hai khu bảo tồn nằm cách nhau chưa đầy 30km bởi các vùng đất canh tác nông nghiệp.

Ếch bay trong đêm

Ếch bay trong đêm. Ảnh: Internet

Loài ếch cây mới có chiều dài cơ thể khoảng 10cm. “Để phát hiện loài ếch cây mới này, tôi và các đồng nghiệp phải trèo lên vùng núi non hiểm trở, lội suối và băng qua những thảm thực vật rậm rạp, đầy gai nhọn”, tiến sĩ Jodi Rowley, nhà sinh vật học nghiên cứu lưỡng cư, làm việc tại Bảo tàng Úc, kể lại.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết loài ếch cây mới tại Việt Nam đang bị đe dọa do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người như chăn thả gia súc và thu hái lâm sản. Các vùng đất thấp rừng nhiệt đới hiện cực kỳ khan hiếm trên thế giới. Đa phần diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do bị ảnh hưởng bởi bùng nổ dân số, nông nghiệp và phát triển công nghiệp.

Trước đó, báo chí cũng đưa thông tin về chồn bay - loài thú nuôi con trong túi, giống như các loài chuột túi nổi tiếng Kangaroo của Australia và chúng còn biết bay.

bên cạnh ếch bay, việt nam cũng có chồn bay

Bên cạnh ếch bay, chồn bay cũng đã được phát hiện tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Đặc điểm nổi bật của chúng là có “cánh”, cấu tạo bằng màng da nối từ cổ với chi trước, chi sau tới hết các ngón chân và bao phủ tới đầu mút đuôi. Chồn bay trên thực tế không bay được mà chỉ lượn và chuyền giữa các thân cây với khoảng cách khá xa với “cánh” của mình. Chúng chủ yếu lượn từ trên cao xuống thấp nên mỗi lần chuyền từ cây này qua cây khác phải leo lên vị trí cao nhất của thân cây để “bay”.

Trong bóng đêm, chồn bay nhận biết điểm đậu trên thân cây rừng rất chính xác. Thậm chí, chúng có thể bay với một con con bám trên mình.  Ngoài khả năng bay, điểm độc dáo thứ hai của chồn bay là con sơ sinh rất yếu và được nuôi trong một chiếc túi làm bằng màng da ở phần bụng dưới. Con non sẽ sống trong chiếc túi mềm và ấm cho đến khi tự lập. Đặc điểm này rất giống với các loài thú có túi ở Australia, mặc dù chồn bay được coi là một loài thú có vú hoàn chỉnh.  

Được gọi là “chồn” nhưng chúng không có liên hệ gì với các loài chồn thông thường. Chúng thuộc một họ động vật duy nhất và cũng gồm một loài duy nhất phân bố ở Việt Nam.  

Làm tổ trong các bọng cây cao 20 - 50m, chồn bay hầu như không bao giờ xuống mặt đất. Ở Việt Nam, chồn bay phân bổ rải rác tại các khu rừng ở Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh.  

Trong 10 năm gần đây, ít nhất 50% quần thể chồn bay đã biến mất do chặt phá rừng làm mất nơi cư trú của chúng. Việc săn bắn để lấy thịt cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với loài động vật này. 

Tuyết Trinh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang