Phát hiện gần 1.500 thẻ hương trầm, hàng hóa thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 10:02 21/07/2020

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra tình hình vận chuyển hàng hóa trên địa bàn lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã phát hiện một chiếc xe ô tô vận chuyển lượng lớn thẻ hương trầm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) Hà Giang cho biết, mới đây Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hà Giang đã nhận được nguồn tin báo về phương tiện vận chuyển hàng Hương Trầm nhãn hiệu Thu Hiền trên xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-000.14 do ông Vũ Khánh Hội điều khiển.

 Lực lượng QLTT Hà Giang tiến hành kiểm tra số hương trầm giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Để kiểm tra và xác minh làm rõ, Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hà Giang đã tiến hành khám phương tiện vận tải mang biển kiểm soát 34C-000.14 do ông Vũ Khánh Hội điều khiển.

Sau khi tiến hành khám, lực lượng QLTT đã phát hiện trên phương tiện do ông Vũ Khánh Hội điều khiển có vận chuyển là 1.430 thẻ hương trầm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Hương Trầm Thu Hiền của cơ sở sản xuất hương Bùi Thị Hiền.

Làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng, ông Vũ Khánh Hội lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa đang vận chuyển trên xe. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Đội QLTT số 3 tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Sai lầm khi dùng thuốc chữa mụn trứng cá đỏ nhiều người dùng mắc(VietQ.vn) - Bệnh mụn trứng cá gây nổi mẩn đỏ ở mặt, tạo ra các mụn đỏ hay mụn mủ rất phổ biến ở nhiều bạn trẻ. Để cải thiện tình hình nhiều người tự ý mua thuốc về dùng đã gây hậu quả nặng nề hơn.

Liên quan đến việc vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong những ngày đầu ra quân, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT phối hợp Cục QLTT Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm nóng Hàng Ngang, Hàng Điếu, hàng Bông, hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường, phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giầy, xăng đan có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Lacoste, Fendi, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo, LV, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin, Lascote, Versace, Polo, Calvin Klein, Montblanc và một số quần áo, mỹ ký, dây lưng nhập lậu tại 7 cơ sở này.

Sau thời gian xác minh thông tin và xử lý theo thẩm quyền, Cục QLTT Hà Nội và UBND TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở trên, phạt tiền 291 triệu đồng về các hành vi vi phạm không thực hiện niêm yết giá theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời, tịch thu sản phẩm nhập lậu, trị giá 71,950 triệu đồng và buộc tiêu hủy sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, trị giá 398,270 triệu đồng.

Một vụ việc điển hình chính là Cục QLTT Hà Nội trình Hồ sơ UBND TP Hà Nội ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3024 ngày 9/7/2020 đối với bà Đào Mỹ Linh có hộ khẩu tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội về hành vi không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật. Phạt tiền 750.000 đồng và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa vi phạm là 71,470 triệu đồng. Phạt tiền 70 triệu đồng, với tổng mức tiền phạt 2 hành vi là 70,750 triệu đồng.

Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm có thời hạn 2 tháng kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu được kê chi tiết tại Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính số 9119 ngày 21/5/2020 của Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày, kể từ ngày ban hành Quyết định này.

Việc buôn bán hàng hóa giả mạo theo quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử phạt hành chính:

“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang