Phát hiện hơn 100 hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời

author 09:54 21/07/2016

(VietQ.vn) - Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế khẳng định đã phát hiện 104 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời trong sứ mệnh K2 của đài quan sát vũ trụ Kepler.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Ngày 18/7, một nhóm các nhà khoa học quốc tế thông báo đã phát hiện thêm 104 hành tinh nằm ngoài hệ Mặt ​Trời, trong đó có 4 hành tinh có thể có bề mặt giống Trái Đất. Bốn hành tinh này, với đường kính lớn hơn từ 20 – 50% so với đường kính Trái đất, đang quay quanh một ngôi sao lùn kiểu M với ký hiệu K2-72, cách hành tinh xanh 181 năm ánh sáng theo hướng của chòm sao Bảo Bình. Sao chủ với kích thước gần bằng một nửa Mặt Trời và có độ sáng kém hơn.

Chu kỳ quỹ đạo của các hành tinh này nằm trong khoảng 5 - 24 ngày, tính theo ngày trên Trái đất, và hai trong số đó có mức chiếu xạ tương đương với Trái đất. Mặc dù quỹ đạo của các hành tinh này ngắn hơn hẳn sao Thủy, các nhà khoa học vẫn tin vào khả năng phát sinh và tồn tại sự sống.

Các ngoại hành tinh trên được phát hiện nhờ sự hỗ trợ đắc lực của kính thiên văn đặt trên không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như các kính thiên văn đặt trên Trái Đất bao gồm 4 chiếc ở Mauna Kea, Hawaii.

Nhà thiên văn học Evan Sinukoff đến từ Đại học Hawaii cho biết sự đa dạng của các hành tinh mới phát hiện rất đáng kinh ngạc. Theo ông, nhiều hành tinh có kích thước gấp đôi Trái Đất, quay rất gần với sao chủ, những hành tinh có có nhiệt độ lên hơn 1.000 độ C.

Có hai hành tinh có thể có nhiệt độ tương tự Trái Đất dù vòng quay của chúng nhỏ hơn. Ảnh: NASA

Có hai hành tinh có thể có nhiệt độ tương tự Trái Đất dù vòng quay của chúng nhỏ hơn. Ảnh: NASA

Trong loạt hành tinh mới phát hiện này, có 21 hành tinh nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống, ở khoảng cách đủ xa với sao chủ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng và phát triển sự sống. Do nhiệt độ hành tinh chủ của hệ sao này thấp hơn Mặt Trời, các nhà khoa học cho rằng có hai hành tinh có thể có nhiệt độ tương tự Trái Đất dù vòng quay của chúng nhỏ hơn. Kính thiên văn Kepler vẫn đang liên tục quan sát 150.000 ngôi sao có thể có hành tinh bay quanh.

Với giá trị lên tới 600 triệu USD và được đưa lên vũ trụ từ tháng 3/2009, Kepler là kính thiên văn đầu tiên được NASA thiết kế nhằm tìm kiếm các hành tinh có kích thước hay cấu tạo giống Trái Đất ngoài Hệ Mặt trời bằng cách đo những thay đổi về độ sáng của một ngôi sao chủ khi có một hành tinh bay ngang qua.

Trước đó, vào tháng 5, NASA cũng đã khiến toàn thế giới kinh ngạc khi tuyên bố đã tìm thấy 1.282 hành tinh mới ngoài Hệ Mặt Trời nhờ đài quan sát vũ trụ Kepler. Trong suốt thời gian thực hiện sứ mệnh, cho đến nay, Kepler đã phát hiện 2.326 ngoại hành tinh.

Bằng cách quan sát các ngoại hành tinh này, các nhà khoa học NASA hy vọng sẽ thu thập thêm những thông tin quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Tính đến thời điểm hiện tại, giới khoa học đã phát hiện tổng cộng gần 5.000 hành tinh, với 3.200 trong số này đã được xác nhận.

Đây là kết quả có được từ các dữ liệu của NASA kết hợp với quan sát từ nhiều kính thiên văn trên Trái đất, bao gồm kính thiên văn North Gemini, đài quan sát W.M.Keck tại Hawaii, thiết bị tự động hóa phát hiện các hành tinh của trường đại học California, kính thiên văn kép của trường đại học Arizona. Bằng cách nghiên cứu tương tự, NASA hi vọng đây sẽ là bước tiến mới trong việc tìm hiểu vũ trụ rộng lớn và tìm ra sự sống ngoài Trái Đất.

Internet Việt Nam đi quốc tế lại bị ảnh hưởng vì đứt cáp quang biển(VietQ.vn) - Tuyến cáp quang biển Liên Á nối liền Việt Nam đến Mỹ đã gặp sự cố làm ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ truy cập Internet của người dùng tại Việt Nam.

Nguyễn Yến (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang