Phát hiện rúng động: Chip điện thoại gây dị tật, sảy thai và ung thư

authorMinh Hà 10:21 01/07/2017

(VietQ.vn) - Chính việc phơi nhiễm hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất chip gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sảy thai và dị tật bẩm sinh của thai nhi đối với những người mẹ làm việc trong lĩnh vực này.

Chip điện thoại gây rối loạn sinh sản, ung thư cao

Chip điện thoại (CPU) là tên viết tắt của từ Centranl Processing Unit hay còn gọi là bộ xử lý trung tâm của điện thoại hay máy tính. Có thể nói chíp chính là “trái tim” của mỗi chiếc điện thoại. Mọi thao tác trên điện thoại đều được xử lý thông qua thiết bị này, nếu như điện thoại không có chip thì có nghĩa chiếc điện thoại đó không thể sử dụng được.

Tuy vậy, để sản xuất ra được những chiếc chíp điện thoại hay máy tính không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, bởi đằng sau đó là những hệ lụy không tưởng.

Theo chia sẻ trên tờ Zing mới đây, năm 1984, nhóm nghiên cứu do Harris Pastides, Phụ tá giáo sư của Đại học Massachusetts, Mỹ phát hiện những trường hợp sảy thai bất thường ở nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Digital Equipment. Nghiên cứu chuyên sâu cho thấy phụ nữ tiếp xúc với hóa chất bị rối loạn khả năng sinh sản, đặc biệt là có nguy cơ ung thư cao. Tỷ lệ sảy thai và dị tật bẩn sinh trên thai nhi cũng được ghi nhận cao bất thường.

Năm 1986, kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi, khiến Hiệp hội ngành Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) phải lên tiếng. Sau đó, 50.000 lao động ở 42 nhà máy của 14 công ty thành viên SIA đã tham gia vào quá trình nghiên cứu. Tháng 12/1992, kết quả đáng kinh ngạc được công bố khi cả ba nhóm chuyên gia tham gia dự án đều đưa ra một kết quả gần như đồng nhất về tỷ lệ sẩy thai của phụ nữ trong các nhà máy này.

Ngay sau những tuyên bố rúng động, các công ty Mỹ đồng loạt tuyên bố loại bỏ những hóa chất độc hại khỏi quá trình sản xuất chip. Thậm chí, IBM còn tuyên bố loại bỏ hoàn toàn các hoạt động sản xuất chip từ năm 1995.

Tuy vậy, ngành công nghiệp sản xuất chip là lĩnh vực không thể bị bỏ qua. Thay vì sản xuất chip, các ông lớn công nghệ Mỹ quyết định nhập khẩu chúng từ các nước đang phát triển. Hai cái tên nổi bật nhất trong những thương vụ này là Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc.

Theo tính toán, có khoảng 120.000 phụ nữ Hàn Quốc lao động chính trong ngành này và một số lượng chưa xác định số lao động thời vụ hoặc làm việc cho các nhà thầu phụ. Tình trạng tương tự cũng được lặp lại ở các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Lợi nhuận cao cùng những quy định lỏng lẻo có thể khiến loại hóa chất chết người này tiếp tục được sử dụng trong sự thờ ơ của giới chủ và sự mù mờ của người lao động.

Hóa chất tạo ra dung dịch sản xuất chip vô cùng độc hại

Cũng theo thông tin trên tờ Zing, việc sử dụng hỗn hợp hóa chất để tạo ra những loại dung dịch cần thiết cho quá trình sản xuất chip được đánh giá là vô cùng độc hại. Thậm chí, nhiều loại hóa chất có thể thấm qua găng tay cao su hay những sản phẩm bảo hộ thông thường mà công nhân làm việc trong các “phòng sạch” vẫn mang.

Chính việc phơi nhiễm với những loại hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất chip gây ra những vấn đề nghiêm trọng với công nhân, chủ yếu là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ, làm việc trong ngành này.

Nói về tác hại của những loại hóa chất phục vụ cho việc sản xuất chip, báo Người đưa tin dẫn nguồn tin từ trang Sydney Morning Herald cho biết, Việc sử dụng các hoá chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất đang "giết dần, giết mòn" công nhân trong các nhà máy lắp ráp chip xử lý smartphone cho Apple và Samsung.

Năm 2016, đại diện công nhân, các nhóm đấu tranh vì quyền lợi của người lao động và nhiều nhà học giả đang yêu cầu các nhà sản xuất nâng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn của họ lên nhằm loại bỏ vĩnh viễn những điều kiện nguy hiểm gây ra bệnh bạch cầu nghề nghiệp và ung thư hạch không Hodgkin.

Vấn đề bắt nguồn từ những “phòng sạch”, môi trường không bụi nơi các chất bán dẫn được sử dụng trong công nghiệp điện tử như sản xuất smartphone và TV LCD.

Chỉ được trang bị bộ đồ màu trắng nhằm giảm thiểu tối đa sự nhiễm bẩn, các công nhân thường xuyên phải tiếp xúc bằng tay và hít vào các hoá chất được sử dụng cho mục đích vô khuẩn. Các hoá chất này bao gồm benzene, một chất gây ung thư và trichloroethylene, được biết đến như là nguyên nhân chính gây ra bệnh bệnh bạch cầu nghề nghiệp và ung thư hạch không Hodgkin.

Không khí ô nhiễm hoá chất cứ như vậy lưu thông trong một khu vực thiếu gió, kín cổng cao tường và là "lò ấp" của bệnh ung thư.

Làm việc cực nhọc hàng ngày trong suốt một thời gian dài, các công nhân mang mầm bệnh chỉ sau vài năm họ chuyển tới làm việc cho Samsung. Và thực tế, một số người đã chết không lâu sau đó.

Hội nhà nghiên cứu ở các trường đại học đã điều tra 17 công nhân Hàn Quốc tại nhà máy chất bán dẫn Giheung của Samsung, những người đã mắc bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu này khuyến cáo tất cả mọi công nhân ngay lập tức cần được bảo vệ trước sự phơi nhiễm hoá chất.

Minh Hà (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang