Phát hiện và khởi tố hàng loạt đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm

author 11:10 28/07/2020

(VietQ.vn) - Trong hoạt động phòng chống tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng cấm Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an đã phát hiện xử lý 9.255 vụ vi phạm.

Theo thông tin từ Bộ Công an, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an đã kịp thời tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, phòng ngừa tội phạm có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần cải tiến phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, tránh chồng chéo và giảm tải thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời tình hình phức tạp nổi lên.

Đặc biệt, không ngừng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh có hiệu quả tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về buôn lậu.

 Tình hình buôn lậu hàng giả, hàng cấm diễn biến phức tạp và nhiều thủ đoạn tinh vi. Ảnh: Bộ Công an

Đáng chú ý, đã triệt phá thành công một số đường dây, băng ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả để xử lý nghiêm minh đối tượng cầm đầu và các đối tượng liên quan, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, mạnh mẽ trong toàn xã hội về tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, góp phần phòng ngừa, răn đe và giáo dục chung, như: Đường dây buôn lậu dược liệu tại Lạng Sơn và một số địa phương; Đường dây buôn lậu đường cát tại An Giang; Đường dây buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh; Đường dây sản xuất bộ trang phục phòng dịch áo liền quần giả ghi nhãn hiệu Phúc Hà...

Qua các vụ việc trên, Bộ Công an cho biết, đây đều là những vụ việc tương đối lớn, thủ đoạn tinh vi bước đầu gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra, giám sát và ngăn chặn nhưng bằng công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã kịp thời đưa ra kế hoạch và chặn đứng những hành vi, vi phạm trên, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Muôn kiểu 'ngụy trang' buôn lậu thuốc lá gây thất thoát lớn về kinh tế cho Nhà nước (VietQ.vn) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá chưa bao giờ lắng xuống. Tình trạng này đã khiến nhà nước bị thất thu khoảng 8.500 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ có Bộ Công an, trong công tác phòng chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan cũng đã phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 1.453 tỷ 105 triệu đồng; khởi tố 18 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 32 vụ. Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 21.863 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 9.544 tỷ 603 triệu đồng.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, đường biển. Kết quả, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý 1.078 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 22 tỷ 309 triệu đồng; khởi tố 279 vụ, 328 đối tượng; Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 52 tỷ 126 triệu đồng; khởi tố 63 vụ.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thị trường nội địa. Kết quả, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 33.154 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 145 tỷ 400 triệu đồng.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải... cũng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan Thanh tra chuyên ngành xây dựng và triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của BCĐ 389 QG. Kết quả, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 134 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 5 tỷ 774 triệu đồng.

Nhận định về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, mặc dù công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Nguyên nhân của những yếu kém này là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Một số quy định pháp luật liên quan công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, có khoảng trống, nhất là liên quan đến việc xác định xuất xứ, xác định hàng giả...

An Dương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang