Phát hiện vệt dầu loang nghi của máy bay Malaysia gặp nạn

author 17:00 08/03/2014

(VietQ.vn) - Theo ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, vị trí lần cuối cùng chiếc tàu bay hiển thị trên màn hình rada là 10NM phía Nam điểm IGARI trong Vùng thông báo bay của Singapore. Máy bay Việt Nam đã xuất phát để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing rơi.

Sự kiện:

Thông tin trên Tiền Phong cho hay, máy bay AN26 của Hải quân Việt Nam vừa phát hiện vệt dầu loang dài khoảng 20km tại khu vực tìm kiếm, nghi là của chiếc máy bay Boeing gặp nạn.

Khoảng 16h24 phút, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được tin báo từ máy bay AN26 của Hải quân báo về, đã phát hiện vệt dầu loang dài khoảng 20km tại khu vực tìm kiếm, nghi là của máy bay gặp nạn.

Máy bay AN26 xin phép hạ độ cao để tìm kiếm tậm trung những dấu hiệu khác. Tọa độ xác định vết đầu là: 0755N - 103852E. 

Trên tờ Người lao động, thông tin lúc 16 giờ 45 từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết chiếc máy bay AN26 thực hiện chuyến tìm kiếm đầu tiên mang số hiệu 286 đã trở về. Lực lượng tìm kiếm trên máy bay không tìm kiếm được gì song nghi ngờ có 2 vết dầu loang trên mặt biển trong khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Malaysia mất tích.

Sau khi chiếc AN26 số hiệu 286 trở về, chiếc AN26 thứ hai mang số hiệu 261 đã cất cánh ra khu vực tìm kiếm.

Tin lúc 17 giờ 5 phút từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết chiếc máy bay AN26 thứ hai mang số hiệu 261 đã phát hiện 1 cột khói trong khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370. Tuy nhiên, do bay cao nên lực lượng tìm kiếm Việt Nam không xác định được cột khói này do tàu thuyền hay vật vì phát ra.

Vì thế, phía Việt Nam đã báo vị trí cột khói bốc lên để phía Malaysia cử máy bay trực thăng tới xác định cột khói này bốc lên do đâu.

Ngoài máy bay AN26, Việt Nam đã điều động 7 máy bay và 9 tàu. Ngoài ra, hệ thống đài thông tin duyên hải đã được huy động phát tín hiệu bằng cả ba thứ tiếng Anh, Việt, Trung tới các tàu thuyền qua khu vực để nếu có thông tin sẽ báo về các đơn vị cứu nạn.

Hiện đã có hai tàu bay của Hải quân Việt Nam lên đường ra khu vực tìm kiếm, một tàu cứu nạn của Viet Nam MRCC.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, đã thiết lập khu vực vùng biển khả năng may bay rơi khoảng 10.000km2.

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang - Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, theo thông tin của cơ quan hàng không Malaisia cung cấp, máy bay bị nạn rơi trên hải phận Malaisia, cách ranh giới biển giữa 2 nước 25 hải lý.

Ủy ban đã báo cáo Bộ Quốc phòng và điều động 8 tàu bay; trong đó một tàu bay bay quan sát xuất phát lúc 14 giờ 23 phút chiều 8/3, còn 7 trực thăng túc trực để sẵn sàng cứu vớt.

Về tàu biển, huy động 9 tàu của hải quân và tàu cứu nạn hàng hải sẵn sàng cứu vớt. Các tàu và máy bay của Việt Nam chỉ được tìm kiếm cứu nạn trong phần lãnh hải, không phận của mình.

Thông tin trên tờ Thanh Niên tường thuật cho hay:

16 giờ 30:

 Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 4, cho biết tàu Cảnh sát biển số hiệu 2004 của Cảnh sát biển Vùng 4, xuất phát từ An Thới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã được 9 giờ đồng hồ. Hiện tàu đang cách khu vực máy bay bị mất tích khoảng 80 hải lý. Trong suốt quá trình tìm kiếm, ứng cứu, vẫn chưa phát hiện được tung tích của chiếc may bay Boieng 777.

16 giờ 26: Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Thật sự đây là một điều bí ẩn”.

Ông Herdman cho biết ông bị sốc hoàn toàn khi biết tin máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines có một hệ thống thông tin liên lạc rất tinh vi và tân tiến lại có thể mất tín hiệu liên lạc một cách đơn giản như vậy.

“Điều này cực kỳ bất thường vì Boeing 777-200 là máy bay thuộc hàng an toàn nhất thế giới”, theo ông Herdman.

16 giờ 13: Bộ Giao thông Malaysia cho biết đến thời điểm này chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã kéo dài 14 giờ nhưng vẫn thể phát hiện máy bay mất tích, theo Daily Mail (Anh).

 

15 giờ 55: Hai trực thăng Mi 171 số hiệu 02 và 04 tạm thời đáp xuống sân bay Cà Mau, rút ngắn khoảng cách tiếp cận với vùng máy bay Boieng 777 bị mất liên lạc.

15 giờ 50: Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia an toàn hàng không Mỹ cho rằng việc tìm kiếm máy bay mất tích trên biển là cực kỳ khó khăn. Hộp đen máy bay, ghi lại dữ liệu máy bay và ghi âm các cuộc hội thoại trong buồng lái, được trang bị máy phát siêu âm có thể phát ra tín hiệu sóng siêu âm giúp hộp đen có thể được phát hiện dưới nước.

Trong điều kiện tốt, các tín hiệu này có thể được phát hiện cách đó vài trăm km, AP dẫn lời ông John Goglia, một chuyên gia an toàn hàng không - cựu ủy viên Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ, cho biết. Nếu hộp đen bị chìm xuống dưới đáy biển, sẽ làm giảm khả năng phát tín hiệu và tín hiệu sẽ yếu dần, theo ông Goglia.

15 giờ 45: Ông Ngô Văn Phát, Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Hải quân Vùng 5, xác nhận với Thanh Niên Online: trong vòng 5 phút nữa Hải Quân vùng 5 cho 2 tàu xuất phát đi cứu hộ cứu nạn vụ máy bay của Malaysia bị rơi. Trong đó, có 1 tàu vận tải và 1 tàu chuyên cứu nạn cứu hộ.

Ông Phát cũng bác tin đồn máy bay trên rơi gần vị trí đảo Hòn Chuối của Cà Mau. Ông Phát khẳng định vị trí máy bay gặp nạn cách đảo Thổ Chu trên 150 hải lý.

15 giờ 30: Phóng viên Nguyễn Long (Báo Thanh Niên) có mặt trên tàu Sar 413 của Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 3 từ Vũng Tàu. Tàu Sar 413 đã nhận lệnh xuất phát tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích.

15 giờ 15: Tờ Daily Mail (Anh) ngày 8.3 dẫn lời các chuyên gia an toàn hàng không Anh cho biết có nhiều khả năng khiến máy bay mất liên lạc với mặt đất và mất tích, trong số đó là động cơ hư hỏng nghiêm trọng, phi công buộc phải chuyển hướng để tránh một máy bay khác hoặc máy bay phát nổ. 

15 giờ: Chiếc máy bay thứ hai với số hiệu 281 cũng chính thức cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Trên chuyến bay này, PV Trung Hiếu (Báo Thanh Niên) có mặt để tường thuật chi tiết diễn biến cuộc ứng cứu này đến bạn đọc.

Thời gian bay ra khu vực máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mất tích khoảng 1 giờ đồng hồ.

 

 

 

Cùng lúc này, tại sân bay Cần Thơ, PV Tiến Trình (Báo Thanh Niên) cũng đã có mặt trên chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 02 để lên đường ứng cứu. Tại sân bay Cần Thơ, có tổng cộng 2 trực thăng MI 171 (số hiệu 02 và 04) xuất phát.

Trên Tuổi trẻ, đại tá Đậu Khải Hoàn, chủ nhiệm chính trị hải quân Vùng 5, cho biết lúc 16g hai tàu hải quân, trong đó có 1 tàu cứu hộ chuyên dụng xuất cảng Vùng 5 (Phú Quốc) lên đường tham gia tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích.

Đại tá Doãn Bảo Quyết, chính ủy Vùng cảnh sát biển 4, cho biết sau khi nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, một tàu tốc độ cao cùng Vùng 4 cũng xuất phát làm nhiệm vụ.

Lúc 14g30, nhận được lệnh từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn VN, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC, đóng tại TP Vũng Tàu) đã điều tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 ra khu vực máy bay Malaysia bị rơi để cứu nạn.

Ông Phạm Hiển, giám đốc Trung tâm Vungtau MRCC cho biết, từ Vũng Tàu ra vị trí máy bay rơi khoảng 500 hải lý. Thuyền trưởng tàu SAR 413 là Phạm Thanh Nam, tàu có 18 thuyền viên. Theo dự kiến, phải hơn 30 giờ đi trên biển, tàu SAR mới đến vùng  biển có máy bay rơi.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang bố trí 7 máy bay khác gồm: 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171 (tại Tân Sơn Nhất), 2 Mi 171 (tại Đà Nẵng), 2 trực thăng SUPER của Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Ngoài ra có 9 tàu gồm 5 chiếc của Hải quân ở Phú Quốc, 2 tàu Cảnh sát biển (ở Phú Quốc và Hòn Khoai) cùng 2 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR 272 và 413 của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam cũng sẵn sàng đợi lệnh đi tìm kiếm.

Theo kế hoạch TKCN của Cục Hàng không Việt Nam,  máy bay AN 26  bay tìm kiếm và các trực thăng  sẵn sàng cất cánh khi phát hiện được vị trí máy bay của Malaysia rơi.

 

Thông tin trên tờ Giaothong cho biết, sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp  với nước bạn tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Quốc Phòng chủ động triển khai các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tốt nhất.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng không đã được kích hoạt. Các đơn vị liên quan đã thiết lập kênh phối hợp rất chặt chẽ 24/24 h với cơ quan hàng không Malaysia và Singapore để hỗ trợ tìm kiếm. Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng đã  vào cuộc, tàu SAR 13 đã lên đường đi Cà Mau. Đài thông tin duyên hải đã thông báo cho các tàu thuyền trong khu vực dự báo tàu bay rơi xuống biển nắm được thông tin, hỗ trợ các cơ quan chức năng tìm kiếm.
 
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ra lệnh các biện pháp khẩn cấp tăng cường thông tin liên lạc với nhà chức trách Malaysia, và kêu gọi tăng cường các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ cũng như kiểm tra các chi tiết của các hành khách Trung Quốc
 
Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia đã thành lập và đứng đầu một đội cứu  hộ để xử lý  vụ việc.
 
Trong một nỗ lực rất lớn khác, Bộ Giao thông vận tải tại Malaysia cho biết, vì có quá  nhiều hành khách đến từ các nước khác nhau nên việc liên lạc với gia đình họ khá khó khăn. Tuy nhiên, đến trưa nay, 80% của các thành viên gia đình của những người trên tàu đã được thông báo về tình hình chuyến bay bị mất tích.

 

Đan Trường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang