Phát hiện xác nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường 'sát thủ' chịu tội gì?

author 06:51 29/10/2013

(VietQ.vn) - Đã 10 ngày kể từ khi chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xuống sông Hồng để phi tang, gia đình vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thi thể chị Huyền với nỗ lực không mệt mỏi.

 

 

 

Tiếp tục cập nhật

 

Lúc 17 giờ 20 phút chiều 29-10, ngay sau khi tới khu vực cầu Yên Lệnh, ông Quang cho biết nguồn thông tin mà gia đình nhận được về nghi vấn 1 thi thể nổi ở đây chỉ là một khúc gỗ.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó phòng cảnh sát đường thủy (PC 68, Công an Hà Nội), cho biết sau khi có tin đồn phát hiện thi thể nữ giới đang phân huỷ khu vực cầu Yên Lệnh (ở giữa địa phận Hà Nam-Hưng Yên) đã cử một đội xuống xác minh. Bên cạnh đó, một đội thợ lặn được cử xuống phối hợp. Song đến 17 giờ cùng ngày đã xác định không có manh mối nào như tin đồn.
 
Đến cuối chiều cùng ngày, trao đổi với Báo Người Lao Động, Thượng tá Đào Trọng Bằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an tỉnh Hưng Yên), cho biết sau khi có tin đồn phát hiện tử thi trên sông, PC45 đã cử tổ công tác xuống phối hợp tìm kiếm với PC68 Công an TP Hà Nội.
 
Tuy nhiên qua điều tra thì xác định đây chỉ là hoang tin. Lực lượng chức năng đã tìm kiếm xung quanh khu vực này song đến cuối giờ chiều ngày 29-10 vẫn không có kết quả nào.
 
Anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, cho biết gia đình cũng mong tin từ cơ quan chức năng, nếu xác minh đúng là thi thể vợ anh sẽ lập tức đón về. "Gia đình rất buồn khi thông tin trên không có thật. Gia đình sẽ tiếp tục tìm kiếm và mong được quần chúng nhân dân giúp đỡ, thông tin chính xác khi phát hiện ra thi thể vợ tôi"  - anh Huy nói.
 
Tuy nhiên, theo ông Quang, ngay sau khi xác định thông tin về một thi thể nữ ở cầu Yên Lệnh là hoang tin thì gia đình lại nhận được thông tin tại một khu vực trên sông Hồng cách cầu Yên Lệnh 2 km về phía hạ du vừa phát hiện một trường hợp nghi là thi thể trôi sông.
 
Vì thế, ông Quang và 2 người thân trong gia đình lại thuê 1 chiếc thuyền xuôi theo sông Hồng tới nơi vừa có thông tin phát hiện nghi vấn thi thể trôi sông.
"Sau khi vào Đền Lảnh Giang" ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thắp hương, tôi và 2 người thân đã lên thuyền tiếp tục đi tìm thi thể cháu Huyền với nỗ lực tối đa, không bỏ sót bất cứ một thông tin phát hiện nào" - ông Quang cho biết.
 
Lúc 19 giờ ngày 29-10, ông Quang cho biết thông tin về trường hợp nghi thi thể người trôi sông cách cầu Yên Lệnh khoảng 2 km cũng không chính xác. "Song gia đình chúng tôi không vì thế mà từ bỏ nỗ lực tìm kiếm thi thể cháu Huyền. Gia đình tôi sẽ vẫn tổ chức tìm kiếm cho dù chỉ còn 1 tia hy vọng mong manh nhất. Mong bà con nhân dân thông tin chính xác để giúp gia đinh sớm tìm được thi thể cháu Huyền"  - ông Quang bày tỏ.

 

Trước đó, 14h ngày 29/10, Thượng tá Nguyễn Văn Cương – Phó phòng cảnh sát đường thủy, (công an Hà Nội) cho biết người dân khu vực cầu Yên Lệnh (Hà Nam) vừa cấp báo phát hiện thi thể nữ giới đang phân hủy, có nhiều dấu hiệu giống với nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Nhiều ngày qua, gia đình vẫn đi tìm kiếm xác chị Huyền.

Hiện, thượng tá Cương cùng một số chiến sĩ công an đang cấp tốc có mặt tại hiện trường để xác minh xem có đúng là thi thể của chị Huyền hay không. Nếu đúng là thi thể của chị Huyền thì tính đến ngày hôm nay đã là ngày thứ 10 kể từ khi chị Huyền bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác phi tang.

 

 

 

 

 

Người nhà mỏi mòn tìm kiếm
Trước đó, ngày 28/10, người thân của chị Huyền tiếp tục thuê thuyền để đi dọc sông Hồng, xuôi về phía hạ lưu khoảng 50 km để tiếp tục tìm kiếm thi thể của chị Huyền. Còn tại khu vực bến sông dưới cầu Thanh Trì, nơi được cho là bác sĩ Tường vứt thi thể chị Huyền xuống sông, một nhóm thợ lặn đã tự nguyện giúp đỡ gia đình trong việc lặn tìm kiếm. Tuy nhiên, đến 12h trưa nay, cuộc tìm kiếm vẫn không đem lại kết quả nào.'
Sáng nay, gia đình anh Huy lại thuê chiếc thuyền này để xuôi về phía hạ lưu 50 km tìm kiếm. Anh Hưng, anh rể của anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền), cho biết anh đã ngồi trên thuyền suốt từ ngày 20/10, kể từ khi gia đình không liên lạc được với chị Huyền (bị tử vong tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường chiều 19/10 và bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường khai nhận ném xác xuống sông Hồng phi tang vào đêm cùng ngày 19/10) và quyết định đi tìm kiếm cả trên cạn và dưới sông.
“Mỗi ngày thuê 1 chiếc thuyền đi tìm kiếm dọc sông Hồng hết 5 - 7 triệu đồng. Ngày gia đình thuê nhiều thuyền nhất, tới 7 chiếc là ngày 22/10 khi bác sĩ Tường khai nhận ném thi thể em tôi xuống sông Hồng”, anh Hưng cho biết. Theo anh Hưng, hiện chưa thể thống kê số tiền gia đình đã bỏ ra để đi tìm kiếm chị Huyền. “Người thân nào đi trên thuyền nào thì tự trả tiền, sau khi xong xuôi mọi việc mới về tính toán sau. Nhưng đến nay, chi phí cho việc thuê thuyền tìm kiếm; thuê thợ lặn đã lên đến tiền trăm triệu”, anh Hưng nói.
Ông Quang, cậu ruột anh Huy, cho biết sáng nay gia đình đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người để đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên, không biết kết quả sẽ như thế nào. Cũng theo ông Quang và anh Hưng, đến hôm nay, gia đình bác sĩ Tường chưa hề có lời hoặc đến gia đình anh Huy để chia sẻ, thăm hỏi hay hỗ trợ gì cho gia đình.
“Về phía bệnh viện Bạch Mai, họ cũng chưa đến gia đình nhưng có gọi điện và gọi người nhà đến để gửi lời chia buồn đến gia đình chúng tôi”, ông Quang nói. Những nỗ lực của thợ lặn vẫn chưa đem lại kết quả.
Theo ông Quang, gia cảnh của anh Huy cũng không có gì là khá giả. Bố mẹ anh Huy nghỉ hưu đã lâu, bản thân anh Huy thì công việc cũng không ổn định. Thu nhập của gia đình chủ yếu là từ thu nhập của chị Huyền.
“Tôi chưa hỏi Huy, nhưng chắc là nó phải vay mượn tiền để lo việc tìm kiếm xác vợ”, ông Quang nói. Chiều nay, gia đình một mặt vẫn thuê thuyền để tìm kiếm dọc sông Hồng, mặt khác sẽ cử người tìm kiếm ở các bãi bồi ven sông, xem liệu bác sĩ Tường có vứt xác chị Huyền ở đâu đó không.
Sau 10 ngày, những nỗ lực của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người dân tốt bụng khắp nơi giúp sức, tuy nhiên đến đầu giờ chiều hôm nay, xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy.
Luật sư nói mỗi người "1 góc"
Khi trao đổi về vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” theo quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS), ông Tường có thể bị mức án cao nhất là tử hình".
Trong khi đó, luật sư Lê Đức Tiết (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật-Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, không thể quy kết ông bác sĩ này về tội cố ý hay vô ý giết người mà chỉ có thể là “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 99 Bộ Luật Hình sự. “Ông bác sĩ Tường phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng và làm họ tử vong thì chưa thể khẳng định ông Tường có chủ đích giết người. Ông này không có giấy phép hành nghề mà vẫn hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì là vi phạm quy tắc hành nghề y”.

Với tội danh này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị phạt tù 1-6 năm. Nếu phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù 5-12 năm. Còn đối với trường hợp người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, những người tham gia cùng kíp phẫu thuật cho chị Huyền cũng có thể bị khép vào tội danh như bác sĩ Tường “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

 

 

“Những nhân viên ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường này cũng bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Kể cả nhân viên bảo vệ đi vứt xác chị Huyền cùng ông Tường và những nhân viên khác biết sự việc ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường mà không tố giác thì cũng đều có thể bị khép vào tội “che giấu tội phạm” hoặc “không tố giác tội phạm”. Tùy mức độ, Tòa có thể xử phạt tù hoặc án treo”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.

 

 

Với tội “che giấu tội phạm”, theo Điều 313, những người liên quan bị khép vào tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm; trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Với hành vi “không tố giác tội phạm”, theo Điều 314, những người bị khép vào tội danh này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Luật sư Lê Đức Tiết cũng cho rằng, hành vi mang xác nạn nhân vứt xuống sông Hồng và tạo hiện trường giả để che giấu tội phạm là đáng lên án, gây bức xúc cho gia đình, xã hội. Nhưng hành vi này lại không cấu thành tội. “Mức xử phạt như thế tuân theo những quy định của phát luật, nhưng hành động vô nhân tính của bác sĩ Tường cần phải xử nghiêm để mang tính răn đe”.

Trường hợp vứt xác nạn nhân phi tang của bác sĩ Tường cũng có thể áp dụng tình tiết tăng nặng theo điều 48, Bộ Luật Hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, hiện chưa tìm thấy xác nạn nhân để phục vụ công tác giám định nguyên nhân nạn nhân chết nên bước đầu cơ quan điều tra bước đầu khởi tố về Hành vi giết người là có cơ sở vì căn cứ vào hành vi ném nạn nhân xuống  sông.

Sau này xác định rõ nguyên nhân nạn nhân chết thì có thể thay đổi tội danh cho phù hợp. Nếu giám định trong bụng nạn nhân không có nước, hoặc có những chứng cứ khác chứng minh là nạn nhân đã bị chết trước khi ném xuống sông thì bác sĩ Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.

 

Trường hợp, trong bụng nạn nhân có nước hoặc có những chứng cứ khác chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi ném xuống sông, nghĩa là nạn nhân chết do bị ngạt nước thì bác sĩ Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 93 Bộ luật hình sự: Tội giết người.

Trong trường hợp nếu bác sĩ Tường chỉ dừng lại việc làm khách hàng chết tại Thẩm mỹ Cát Tường do Giấy phép hành nghề không có chức năng phẫu thuật hút mỡ bụng, bơm ngực mà vô ý gây tử vong cho khách hàng trong quá trình làm phẫu thuật vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 242 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.

 

 

Hành vi phi tang nạn nhân nhằm che dấu tội phạm của bác sĩ Tường là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm”.

Đồng phạm chịu hình phạm nào?

Cũng theo LS Anh, các y tá tham gia trực tiếp vào việc trợ giúp bác sĩ Tường khi làm phẫu thuật thẩm mỹ gây chết cho nạn nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức theo tội danh mà bác sĩ Tường.
Đối với người bảo vệ tham gia phi tang xác khách hàng do sự chỉ đạo của bác sĩ Tường, hoặc do nể nang thì tùy theo tội danh của bác sĩ Tường đã phạm để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội.
Như đã phân tích ở trên, nếu bác sĩ Tường phạm tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự thì đương nhiên người tham gia ném nạn nhân sẽ phải chịu trách nhiệm chung về tội giết người với vai trò đồng phạm giúp sức.
Nếu bác sĩ Tường phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự thì người có hành vi giúp bác sĩ Tường che giấu tội phạm như giúp ném xác phi tang nạn nhân, hoặc các nhân viên trong Thẩm mỹ Cát Tường cất dấu đồ đạc, thu dọn hiện trường,… hoặc biết khách hàng đã bị chết mà không đến cơ quan điều tra trình báo,… thì sẽ phạm tội “che dấu tội phạm” theo điều 313 Bộ luật hình sự và “không tố giác tội phạm” theo điều 314 vì điều 242 Bộ luật hình sự không thuộc hành vi qui định tại điều 313 Bộ luật hình sự và điều 314 Bộ luật hình sự.
Chỉ khi bác sĩ Tường bị khởi tố về tội Giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự thì các nhân viên khác trong cơ sở thẩm mỹ, tùy theo tính chất mức độ mới có căn cứ để xử lý hình sự theo điều 313 Bộ luật hình sự và điều 314 Bộ luật hình sự.

Nhà giáo Quan Lệ Lan, công tác tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết nhận được thông tin về các nhà ngoại cảm xuất hiện tại cầu Thanh Trì, phía trung tâm đã rà soát và phát hiện tất cả những người trên đều không có trong danh sách những nhà ngoại cảm được công nhận.

Nhà giáo Lan cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc thẩm tra lại những nhà ngoại cảm “tự phát” này xem họ có năng lực thực sự không hay họ xuất hiện với mục đích gây chú ý để trục lợi cá nhân. Bà Lan cho hay, việc nhà ngoại cảm tìm được thi thể người chết trôi sông đã từng xảy ra.

 

 

Cụ thể trong đợt lũ quét ở Lào Cai, một gia đình đã bị mất đi người con trai và không tìm thấy thi thể. Khi đó, một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hòa Bình đã dùng khả năng của mình chỉ đúng nơi thi thể đang mắc kẹt. Sự việc sau đó cũng được Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người xác thực và cho in thành sách để xuất bản.

Về trường hợp một nhà ngoại cảm khi tới cầu Thanh Trì đột nhiên vật vã, khóc lóc rồi ngất xỉu như bị vong nhập, bà Lan bày tỏ quan điểm: “Không thể biết được người này có thực sự bị vong nhập hay không hay chỉ là một hình thức ‘tự kỳ”của người yếu bóng vía”.

Theo kinh nghiệm của người từng nghiên cứu về các sự việc kỳ lạ, nhà giáo Quan Lệ Lan nhận định thi thể của chị Huyền có thể đã bị vùi xuống hố cát và bị giữ lại nên không thể nổi lên. Bởi vậy, việc rà soát ở phần đáy sông sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý trong vụ Cát Tường

"UBND quận Hai Bà Trưng chịu trách nhiệm chính trước thành phố trong việc để Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động chui và xảy ra sai phạm", Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ngọc, ngày 24-10, UBND TP đã yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng phải xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, đơn vị liên quan trong việc buông lỏng quản lý với Thẩm mỹ viện Cát Tường. Dự kiến cuối tuần này, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ có báo cáo chính thức nên thành phố về kết quả xử lý trách nhiệm nói trên.

 

 

Ông Cao Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND Hai Bà Trưng - nơi cơ sở hành nghề trên địa bàn sai phạm - thừa nhận quận phải chịu một phần trách nhiệm lại cho rằng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương quá nặng nề bởi cả phòng y tế chỉ có 9 cán bộ trong đó có 3 bác sĩ trong khi địa bàn quận có trên 550 cơ sở hành nghề nên khó có thể bao quát hết. Ông Phong cũng đề nghị Sở Y tế cũng phải tăng cường hỗ trợ lực lượng, phối hợp quản lý.

Tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất xử lý nghiêm những đơn vị cá nhân liên quan trong vụ việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường để làm gương trong xã hội. 

“Chúng tôi thấy có mấy sai phạm. Thứ nhất, cá nhân bác sỹ Tường cố tình làm sai. Thứ 2, phòng Tài chính kế hoạch của quận Hai Bà Trưng cấp đăng ký kinh doanh, điều kiện hành nghề. Chức năng của phòng này chỉ được cấp giấy đăng ký kinh doanh nhưng sao lại ghi rõ là phẫu thuật tạo hình, đó là không đúng thẩm quyền. Thứ 3, hiện nay Thanh tra Sở Y tế chỉ kiểm tra những cơ sở được cấp phép hoạt động, nhưng những cơ sở hoạt động chui thì lại không kiểm tra, vậy ai chịu trách nhiệm đối với các cơ sở này?”, Bộ trưởng Tiến nêu vấn đề.

 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trong tuần này Bộ sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra do5 Thứ trưởng Bộ dẫn đầu đi kiểm tra trực tiếp công tác hành nghề y tư nhân, thẩm mỹ dược phẩm, thực phẩm chức năng… tại 10 tỉnh/ thành trọng điểm. Cùng đó, các đoàn kiểm tra do lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ chủ trì cũng như các đoàn kiểm tra của địa phương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra trên toàn quốc.

​Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế phải hướng dẫn để các BV có cách nắm bắt được bác sĩ của BV mình làm thêm bên ngoài, yêu cầu bác sĩ mở phòng khám tư bên ngoài BV phải cam kết làm đúng pháp luật. Rà soát ngay các lỗ hổng trong quản lý hành nghề y tư nhân để sửa chữa, phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông tìm giải pháp siết chặt quản lý quảng cáo dịch vụ y tế tư nhân. Với các địa phương, phải tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn, cả có phép lẫn không phép. Nếu có phép mà qua kiểm tra không đủ điều kiện yêu cầu ngưng hoạt động ngay để chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu thành phố Hà Nội rà soát và xử lý trách nhiệm của Sở Y tế và quận Hai Bà Trưng trong vụ việc  xong trước ngày 5/11

Hé lộ nhiều tình tiết mới trong lời khai Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường
Đối chiếu lại hồ sơ vụ việc; căn cứ vào những lời khai nhận của Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại cơ quan điều tra; vẽ lại quãng đường đi của vị bác sỹ mất tính người cho thấy một số manh mối có thể giúp tìm thi thể nạn nhân Huyền.
Nguyễn Mạnh Tường có ý thức xóa dấu vết

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Tường đã thể hiện sự "cuống quýt, sợ hãi, hoảng loạn" như y nói sau khi sự việc xảy ra bằng cách lúc đầu có khai nhận ném xác chị Huyền tại cầu Vĩnh Tuy. Sau đó, đối tượng lại khai vì thấy cầu Vĩnh Tuy đông người nên đi sang cầu Thanh Trì.
Sau khi Nguyễn Mạnh Tường khai nhận hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm toàn bộ cơ sở thẩm mỹ viện nơi xảy ra sự việc, dựng vị trí vứt xác nạn nhân.
Bước đầu ghi nhận toàn bộ diễn biến hiện trường và nơi vứt tử thi tương đối phù hợp với lời khai của các đối tượng có liên quan.
Những lời khai của Nguyễn Mạnh Tường cho thấy đối tượng có ý thức trong việc xóa dấu vết một cách có hệ thống như thu dọn thẩm mỹ viện, vứt xác nạn nhân xuống sông phi tang, bỏ lại xe máy của nạn nhân trên đường để tạo hiện trường giả.
Điều khiến người chứng kiến cảm thấy lạnh gáy hơn nữa đối với hành vi của Nguyễn Mạnh Tường là ở sự bình thản đến choáng váng của y.
Chiều 22/10, khi cơ quan điều tra dẫn giải đối tượng Nguyễn Mạnh Tường đến cầu Thanh Trì, y đã miêu tả tỷ mỉ những hành động như dừng xe, mở cửa, kéo lê thi thể chị Huyền xuống nước. Những người chứng kiến sự việc ngày hôm đó đã một lần nữa buộc phải nhớ đến Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu rồi che giấu, phi tang nạn nhân một cách tàn độc như thế.
Nếu đúng như lời khai nhận của đối tượng, trước khi phi tang xác chị Huyền, đối tượng Nguyễn Mạnh Tường đã kéo lê chị trên đất rồi mới đẩy xuống, thì liệu có còn dấu vết nào để lại tại vị trí được cho là đã đẩy nạn nhân hay không? Cơ quan điều tra đã thu thập mẫu này chưa?
Mặt khác, liệu còn nhân chứng nào có mặt tại cầu Thanh Trì vào thời điểm đó và chứng kiến hành vi bất thường của Nguyễn Mạnh Tường? Bởi giữa cầu, có người kéo một vật nặng rồi bất thình lình đẩy xuống sông, trong khi một người khác đứng cảnh giới rõ ràng là sự việc bất thường. Cầu Thanh Trì cũng không phải là nơi vắng người qua lại đến mức, hai đối tượng Tường và Khánh có thể ung dung thực hiện thủ đoạn tàn nhẫn của mình.
Tại sao Nguyễn Mạnh Tường lại đi lên Bưởi?

Tại cơ quan điều tra, Đào Quang Khánh, đối tượng giúp sức đắc lực cho việc xóa dấu vết hiện trường, phi tang xác của nạn nhân đã khai rằng, đêm 19/10, bác sĩ Tường đến bảo với Khánh đi cùng để đưa một khách hàng của trung tâm đến bệnh viện do người này có biểu hiện bất thường.
Sau đó bác sỹ Tường đi ô tô từ Thẩm mỹ viện Cát Tường theo hướng đường Bưởi, sang Thạch Bàn. Khi đến giữa cầu Thanh Trì, bác sỹ Tường và Khánh mang xác chị Huyền vứt xuống sông.
Ngoài ra, theo lời khai của Khánh, sau khi ném xác chị Huyền xuống sông, bác sỹ Tường bảo Khánh đưa xe máy Lead, điện thoại, túi xách, giấy tờ tùy thân của chị Huyền vứt ở khu vực đường Cổ Linh, thuộc phường Thạch Bàn để dựng hiện trường giả.
Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội ngay trong ngày 22/10, Nguyễn Mạnh Tường khai nhận: Sau khi chị Huyền tử vong, sợ sự việc bị cơ quan chức năng phát hiện, Tường đã chỉ đạo nhân viên thu dọn toàn bộ đồ đạc của trung tâm gồm sổ sách, máy tính và các dụng cụ khám chữa bệnh, các loại thuốc để mang đi cất giấu.
Đồng thời, Tường mang xác chị Huyền đưa ra ô tô BKS 29A- 488.81 rồi nhờ Đào Quang Khánh (SN 1996, ở số 4 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - là nhân viên bảo vệ của Thẩm mỹ Cát Tường mang đồ đạc tài sản của chị Huyền gồm xe máy Honda Lead, điện thoại, túi xách, giấy tờ tùy thân mang đi vứt ở khu vực đường Cổ Linh thuộc địa bàn phường Thạch Bàn.
Sau khi Khánh vứt xe máy cùng các tài sản của chị Huyền, Khánh lên ô tô do Tường điều khiển chở xác chị Huyền quay lại cầu Thanh Trì. Khi đến giữa cầu, Tường dừng xe ô tô, rồi cùng Khánh bê xác chị Huyền ra khỏi xe, khiêng qua thành cầu vứt xuống sông Hồng, sau đó Tường và Khánh bỏ trốn.
Như vậy, ở đây đã có sự mâu thuẫn giữa hai lời khai với nhau. Nếu đúng theo lời khai của Tường thì y đi xe theo Khánh, để Khánh vứt xe tạo hiện trường giả rồi mới ném xác nạn nhân.
Nhưng theo lời khai của Khánh, đối tượng đứng canh cho Tường kéo lê và đẩy xác nạn nhân rồi sau đó mới mang xe máy của nạn nhân đi vứt để tạo hiện trường giả.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu lời khai của hai đối tượng đã chuẩn xác hay chưa? Nếu Khánh lên ô tô của Tường để đi lòng vòng lên Bưởi, sang Thạch Bàn ném xác thì Tường chắc chắn phải chở Khánh quay lại phòng khám 45 Giải Phóng một lần để Khánh thực hiện lời chỉ đạo là vứt xe máy tạo hiện trường giả. Liệu còn ai có thể kiểm chứng thông tin này?
Sự lạnh lùng đáng sợ của thầy trò Tường- Khánh

Như đã phân tích ở trên, mặc dù tội ác mà Tường gây ra vô cùng kinh khủng, đối tượng lại là trí thức nên có ý thức rất cao về việc xóa bỏ dấu vết phạm tội, nhưng y cũng vô cùng lạnh lùng khi thực hiện lại các hành vi với cơ quan điều tra.
Thậm chí, trong cả buổi tối ngày 22/10 khi được áp giải về Phòng Cảnh sát Hình sự, Tường chỉ đều đều khai lại toàn bộ quá trình phạm tội mà không có lấy một chút nào thể hiện sự ăn năn hối lỗi. Đã không có giọt nước mắt nào nhỏ xuống để thể hiện sự hối lỗi của y.
"Học trò" của y, Đào Quang Khánh cũng tương tự. Tại cơ quan điều tra, Khánh tỏ ra khá bình tình khi trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra. "Em tưởng tai nạn thì đưa đi cấp cứu thôi. Đi đến Thạch Bàn vứt cái xe máy rồi đi đến cầu Thanh Trì thì em mới biết là chị ấy chết rồi. Ông Tường kéo lê xác nạn nhân ra mép lan can cầu và đẩy xuống, còn em đứng canh chừng mọi người", Khánh khai nhận.
Khánh cho biết, ngay sau khi vứt xác nạn nhân xuống sông, bác sỹ Tường đã hứa tăng 100% lương cho y, từ 4triệu lên 8 triệu và cho qua giai đoạn thử việc vào làm chính thức. "Lúc đấy em không nghĩ gì cả, chỉ thấy ông ấy bảo tăng lương thì em làm thôi"...
Sau khi gây tội ác tày trời, cả Tường và Khánh vẫn ung dung đi làm như bình thường, rồi cả hai cùng bị bắt một ngày. Liệu trong 3 ngày làm việc bình thường ấy, hai đối tượng này có bàn bạc trước về lời khai để che giấu địa điểm phi tang xác nạn nhân Huyền?
Đến thời điểm này, vụ việc sẽ được giải quyết tiếp ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc tìm được xác của nạn nhân Huyền.
Bởi theo cơ quan điều tra, việc sớm tìm được xác nạn nhân, khám nghiệm và pháp y làm rõ nguyên nhân chết của nạn nhân phục vụ điều tra có ý nghĩa quan trọng liên quan đến đánh giá tính chất sự việc và xác định tội danh của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường.
Trường hợp tìm được xác nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ tiến hành pháp y để xác định nguyên nhân chết của nạn nhân, thời điểm nạn nhân tử vong trước hay sau khi bị vứt xuống sông, xem xét trên cơ thể nạn nhân có bị tác động bởi yếu tố ngoại lực hay không.
Căn cứ vào những dấu vết lâm sàng trên tử thi, pháp y sẽ góp phần giải đáp các giả thiết đặt ra như: Nạn nhân có phải chết trong quá trình phẫu thuật hay không hay bị hạ sát rồi vứt xuống sông? Nạn nhân mới chết lâm sàng nhưng do hoảng hốt phi tang nên đối tượng đã ném nạn nhân xuống sông?... (Vnmedia)

Giám đốc Công an Hà Nội nói gì?

Trao đổi với báo chí về vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, phải bằng mọi giá tìm được xác nạn nhân bởi có tìm được xác mới xác định được đúng tội danh.

Vụ án ở thẩm mỹ viện Cát Tường đã điều tra đến đâu rồi, thưa ông?

Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục. Công an Hà Nội đang tìm kiếm xác của nạn nhân

Hiện đã có manh mối gì chưa, thưa ông?

Bây giờ chỉ còn cách phải đi mò xác nạn nhân chứ không thể có cách nào hơn. Chúng tôi đang thuê 10 thợ lặn, mò dọc từ nơi nạn nhân bị ném xác xuống cầu Yên Lệnh.

Lực lượng công án có nghĩ đến giải pháp khác không?

Hiện nay đang mò xác. Khả năng nhiều là ném xác xuống sông. Vì ngoài tài liệu đó còn có những tài liệu khác, ngoài ra còn những nhân chứng phát hiện.

Ông có thể đánh giá gì về mức độ phức tạp trong vụ việc bác sỹ Tường phi tang xác nạn nhân?


 

Cái này nên để chờ và cơ quan điều tra sẽ kết luận. Vấn đề bây giờ là phải tìm được xác nạn nhân mới định được đúng tội danh.

Nếu trong trường hợp không tìm được thấy xác nạn nhân thì thế nào?

Các cơ quan công an quyết tâm phải tìm, bằng mọi giá phải tìm thấy xác nạn nhân.

Nhưng đến giờ sau vẫn chưa thấy xác nổi lên?

Theo kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối dưới nước thông thường thì 5- 7 ngày xác chết sẽ nổi lên, tùy vào điều kiện thời tiết. Nhưng những trường hợp chết rồi bị vứt xuống, thì bên kỹ thuật hình sự thế giới tổng kết thì cũng phải từ 18- 25 ngày xác mới nổi.

Đã có vụ việc nào tương tự thế này mà chưa tìm được xác chưa, thưa ông?

Chưa bao giờ có vụ nào không tìm thấy xác. Bằng mọi cách phải tìm lại được xác nạn nhân. Trước mắt phải quyết tâm tìm thấy xác.

Cảm ơn ông!


 

 

 

Quang Lê (tổng hợp) 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang