Phát ngôn gây sốc của Trưởng trạm thú y: 'Ăn thịt heo chết có sao'

author 17:37 28/10/2015

Một loạt các tiểu thương tại chợ Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) vì bức xúc khi heo được nhốt ở lò mổ tập trung đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết, khiến nhiều người bán buôn ế ẩm với thịt heo chết, người thì không dám bán vì sợ dối lừa dễ mất bạn hàng.

Dù họ đã phân trần sự việc tại nhiều nơi, cầu cứu một giải pháp giải quyết thực trạng này, thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua, mọi liệu pháp đều rơi vào ngõ cụt.

Heo chết, vẫn mổ mang ra chợ bán

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam, huyện Quế Sơn đã cho phép 2 hộ dân đầu tư, xây dựng một lò mổ tập trung tại thị trấn Đông Phú và đưa vào sử dụng vào ngày 1.11.2014.

Lò mổ tập trung được xây dựng, với công suất 100 con mỗi ngày, đến nay đã có 22 hộ dân thuộc 9 xã, thị trấn của huyện đã đăng ký giết mổ heo tại lò.

Mỗi con heo mổ chịu chi phí dịch vụ là 37.000 đồng, riêng về việc giết mổ, các hộ gia đình tự thực hiện.

Sáng 27.10, từ nguồn tin phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại lò giết mổ tập trung tại địa bàn thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), chứng kiến một con heo đã bị chết trước khi được giết mổ.

Đó là heo của tiểu thương Hồ Thị Hòa, đang buôn bán tại chợ Đông Phú.

“Kể từ khi lò mổ này được đưa vào sử dụng đến nay, đã có hơn 50 con heo của nhiều tiểu thương bị chết trước khi đem ra giết mổ.

Tình trạng này cứ thế diễn ra, chúng tôi chỉ biết im lặng và bán thịt heo chết, chứ biết làm sao, phía trạm thú y họ cũng vận động cho chúng tôi bán như thế thôi”, chị Hòa phân trần.

Cũng theo chị Hòa, chỉ tính riêng gia đình chị, đã có 13 con heo bị chết trước khi đưa ra giết mổ, chỉ sau một đêm đưa đến nhốt tại lò mổ này.

Trung bình mỗi con heo 2,5 triệu đồng, con nào chết thì chị cố gắn đưa ra chợ bán, nhưng thấy heo chết, người dân không mua, khiến việc buôn bán ế ẩm, thịt heo thì chất đầy tủ lạnh, lâu ngày cũng vứt đi.

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Nhì, tiểu thương tại chợ Đông Phú thì cho rằng: ”Trước khi chúng tôi đưa heo đến để nhốt và chờ giết mổ, trạm thú y cử người kiểm tra heo, nếu được thì cho heo vào, không được họ trả lại.

Thế nhưng, chỉ sau một đêm thì heo của tôi bỗng dưng bị chết, thịt đen, xương thì đỏ, bán không được thì phía trạm thú y họ lại dỗ dành chúng tôi cứ bán đi”.

Trong khi đó, chị Thọ, thiểu thương chợ Đông Phú thì cho hay: ”Heo chết, chúng tôi bán không được, người tiêu dùng ai lỡ mua thì chúng tôi mang tội lừa dối.

Nhưng bán không được, tiền đâu chúng tôi bù lại vốn mua trước đó. Trạm thú y chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi đưa heo vào, nhưng heo chết thì ai phải chịu trách nhiệm?”.

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Nguyễn Huệ - Trưởng trạm thú y huyện Quế Sơn - cho biết:” Số lượng heo chết tại địa bàn tính đến thời điểm tháng 9 vừa qua chỉ có 4 con , còn trong tháng 10 này, chúng tôi chưa thống kê…”.

Lý giải vì sao heo đang bình thường lại chết, ông Huệ cũng cho hay, heo chết là vì lý do cơ học, các tiểu thương chở heo đến bị chèn ép, bị va chạm trên đường thôi, không sao cả, vẫn bán được. Bán buôn là chuyện của họ, không có lỗi của chúng tôi.

“Ăn thịt heo chết có sao, chúng tôi chịu trách nhiệm”

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Huệ khi trao đổi với chúng tôi, liệu rằng heo đã chết mà vẫn cho phép bán, có phải lừa dối người tiêu dùng, đánh cược tính mạng và sức khỏe của người dân hay không.

“Heo ở đây chết vì lý do cơ học thôi, như bị thiếu nước, chèn ép… Trước khi đưa đến, chúng tôi đã kiểm tra tổng quan hết rồi. Qua quan sát là thấy được heo bệnh hay không chúng tôi mới cho heo vào nhốt và giết mổ”, ông Nguyễn Huệ nói thêm.

Tuy nhiên, một lát sau, chúng tôi hỏi lại vấn đề này, thì ông Huệ lại cho rằng, việc phát hiện bằng quan sát là hay làm, tuy nhiên lúc nào cần thiết thì cơ quan thú y sẽ lấy mẫu đi thử nghiệm.

Trong trường hợp một con heo chết trong sáng nay, ông Huệ cho biết, heo chết vì bệnh thì chỉ cần luộc chín rồi để cho tiểu thương họ bán.

Tuy nhiên, theo chị Hòa- tiểu thương- nếu heo chết nhiều, tiểu thương lo lắng sợ bán không được vì người dân quan sát thịt là biết ngay, nhưng được trạm thú y huyện Quế Sơn vận động cứ bán đi, heo nào chết cứ mổ đi, phía trạm thú y sẽ đóng dấu cho lưu hành.

Chính điều này khiến không ít người đã tiêu thụ lượng lớn thịt heo chết ra thị trường thời gian qua.

“Mấy ổng kiểm tra trước khi heo đưa vào nhốt, sau một đêm nhốt thì heo lăn ra chết, tại sao không có ai chịu trách nhiệm, chúng tôi không muốn lừa dối người dân mua thịt heo chết nữa.

Chúng tôi cần một văn bản cam kết, heo chết sau khi nhốt ở đây thì phải có người chịu trách nhiệm”, chị Thọ cho hay.

Thế nhưng, ông Huệ thì không đồng ý với vấn đề này, ông Huệ cho hay: “Heo chết thì cứ bán cho dân đi, đảm bảo heo chết sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu có chuyện gì với dân, chúng tôi chịu trách nhiệm vì chúng tôi là người đóng dấu cho lưu hành”.

Thịt heo chết được đóng dấu để lưu hành tại chợ Đông Phú

Tiểu thương Hồ Thị Hòa phân trần về vụ việc

Lò mổ tập trung tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn.

Lò mổ tập trung tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn.

Lò mổ tập trung tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn.

Theo Lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang