Phát triển bền vững: Doanh nghiệp Việt cần đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng

author 10:23 17/01/2020

(VietQ.vn) - Hội nhập vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và các tiêu chí xuất xứ theo cam kết, những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp mới thật sự phát triển bền vững.

Việt Nam đang tận dụng tốt những cơ hội từ FTA

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA (có 14 FTA đã được ký kết), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất với việc có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường toàn cầu, đặc biệt có 15 FTA với các nước thuộc G20. Các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã từng bước mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu bởi phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế đã dần được dỡ bỏ, các rào cản về thủ tục pháp lý cũng được giảm đến mức thấp nhất và tối giản hơn,...

Đây là những cơ hội để doanh nghiệp kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhờ vậy, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng hơn 15%/năm trong giai đoạn 2011-2019, chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang sụt giảm do tác động của các xung đột thương mại và cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta giữ được vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: dệt may đứng thứ bảy thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 39 tỷ USD; da giày đứng thứ ba thế giới về sản xuất và thứ hai về xuất khẩu với kim ngạch khoảng 17 tỷ USD...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. 

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, có thể thấy DN Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội có được từ các FTA cũng như khung khổ hợp tác khu vực hay đa phương khác. Các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như: Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chi-lê (tăng 3,6 lần)...

Đáng lưu ý, những năm gần đây chúng ta đã có bước chuyển biến tích cực với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ở khối DN trong nước cao hơn so với khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DN trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm hơn 30%), trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng

Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là việc triển khai thực hiện cam kết hội nhập ở các FTA thế hệ mới quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia nhận định cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, phù hợp, trước hết là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA, nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN trong việc tiếp cận thị trường.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường tới cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nội dung thông tin tuyên truyền sẽ sâu rộng và thực chất hơn, không chỉ tập trung vào các cam kết trong các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư,... mà cả cam kết về các biện pháp phi thuế quan, phòng vệ thương mại vốn đã và đang trở thành các rào cản phức tạp đối với các DN khi muốn tiếp cận thị trường của nhiều nước. Mặt khác, sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, nhất là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP; đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và tiêu chí xuất xứ theo cam kết, những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả.

Tiếp đến, cần tập trung xử lý tốt các vấn đề về phòng vệ thương mại, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại, nhất là các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, biến đổi khí hậu, lao động và xã hội đối với hàng xuất khẩu của ta.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng chia sẻ: Chúng ta cần tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng, DN xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp cận thị trường ngoài nước, phát triển thị trường trong nước; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể; hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa đặc trưng thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao sang các thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức từ hội nhập, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. DN Việt Nam phải thay đổi tư duy để thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội, chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh; có kế hoạch xây dựng năng lực, nhất là về thương hiệu. Song song với đó, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng rất quan trọng và là yếu tố không thể thiếu. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và các tiêu chí xuất xứ theo cam kết, những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả, thị trường xuất khẩu của DN mới thật sự phát triển bền vững.

Hiệp định EVFTA: Tiêu chuẩn kỹ thuật là ‘bệ phóng’ giúp nông sản Việt vươn tầm(VietQ.vn) - Tham gia EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy tắc về thủ tục đầu tư, hải quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT)…

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang