Phát triển bền vững - ‘giấy thông hành’ giúp doanh nghiệp vươn ra thế giới

author 07:13 24/02/2020

(VietQ.vn) - Trong kỉ nguyên 4.0, những yêu cầu về phát triển bền vững là nền tảng để tương tác với nền kinh tế thế giới. Phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội chính là “giấy thông hành” giúp doanh nghiệp tiến ra thị trường thế giới.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp nước ta đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp (DN) phải sáng tạo, tạo ra sự khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Sự khác biệt chính là năng lực cạnh tranh lớn nhất để doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường mới.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc để làm rõ vấn đề trên!

Thưa ông, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, những cơ hội và thách thức như thế nào đối với DN Việt? 

Khi mức thuế quan xuống 0% và muốn tận dụng mức thuế quan đó, DN phải nắm rõ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, biện pháp phòng vệ thương mại, hay việc tìm hiểu về các đối tác, bạn hàng bên EU. Bên cạnh đó, các DN phải điều chỉnh chất lượng kinh doanh của mình; tái cấu trúc lại bạn hàng để có thể thâm nhập vào thị trường mới.

Nhà máy sản xuất ôtô VinFast.

 

Nhưng điều rất quan trọng và là điểm cốt lõi, nền tảng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của những sản phẩm dịch vụ mà mình làm ra. Bởi trong kỷ nguyên này, những yêu cầu về phát triển bền vững là một nền tảng để tương tác với nền kinh tế thế giới. Phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội chính là giấy thông hành để tiến ra thị trường thế giới. Thậm chí DN cần trang bị lại công nghệ, nếu công nghệ đó chưa phù hợp, chưa đáp ứng được với yêu cầu. Đồng thời phải áp dụng chuyển đổi số trong DN để nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả quản lý. Ngoài việc tập trung vào thị trường EU, các doanh nghiệp cần lưu ý đa dạng hóa thị trường, điều này vô cùng quan trọng.

Theo như ông nhận định việc đa dạng hóa thị trường là rất quan trọng. Vậy ngoài thị trường EU và thế giới, thì DN cần xác định như thế nào đối với thị trường trong nước?

DN phải coi thị trường trong nước như một điểm tựa bởi đây sẽ là bệ đỡ cho các DN Việt vươn ra thị trường thế giới. Dù có hướng về thị trường Âu, Mỹ, hướng về thị trường thế giới nhưng không bao giờ được quên thị trường sân nhà. Ở đây DN có thuận lợi về am hiểu địa phương, bất kỳ một sản phẩm hay dịch vụ gì ngoài yếu tố sử dụng, chi phí còn liên quan đến yếu tố văn hóa thẩm thấu trong sản phẩm đó.

Ngoài ra, các DN phải sáng tạo, tạo ra sự khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Khác biệt chính là năng lực cạnh tranh lớn nhất. Trong hội nhập này, không chỉ riêng các DN lớn, mà các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, với sự hỗ trợ của thương mại điện tử hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới, thị trường châu Âu. Tất cả cơ hội đều rộng mở không trừ một ai.

Theo ông, việc EVFTA được phê chuẩn giữa lúc đại dịch bệnh Corona đang lan rộng có tác động như thế nào đối với DN Việt nói riêng và các chuỗi giá trị cung ứng nói chung?

Hiện dịch cúm Corona đang đe dọa gây đứt gãy của các chuỗi cung ứng. Do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, một phần rất quan trọng của các nguyên liệu, phụ tùng, các linh kiện đều xuất phát từ Trung Quốc, đặc biệt là đối với ngành dệt may, giày dép, điện tử, đó là những ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Khi Corona xảy ra thì các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sẽ dừng lại. Mặc dù các DN đã có phần dự phòng trong kho đến 2-3 tháng tới, nhưng nếu bây giờ không sản xuất thì sẽ không có nguyên liệu, phụ tùng cho quý tới. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến DN Việt.

Tuy nhiên, việc EVFTA và dịch Corona diễn ra cùng lúc, cùng mang một thông điệp, tạo nên động lực và sức ép để DN Việt phải đa dạng hóa thị trường, cấu trúc lại chuỗi giá trị.

Cụ thể, nếu hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều, hoặc nguyên vật liệu mua nhiều của Trung Quốc, thì những biến động kiểu này sẽ là câu chuyện không ai lường trước được. Điều đó đặt ra yêu cầu không thể tiếp tục các chuỗi giá trị như thế, bởi khi nó bị đứt gãy sẽ không bền vững trong tương lai. Do đó, đòi hỏi DN phải tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, tăng cường nguyên liệu phụ tùng được sản xuất tại Việt Nam và EU.

Bên cạnh đó, chính bản thân việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng đòi hỏi DN phải tái cấu trúc. Việc này đòi hỏi quy tắc xuất xứ, nguyên vật liệu có tỉ lệ quy định nhất định. Nguyên vật liệu phải xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, chứ không phải từ Trung Quốc hay ASEAN.

Đây là hai tác động cùng chiều của hai sự kiện gần như đối lập, giúp DN Việt tái cấu trúc lại các chuỗi giá trị và đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Muốn như thế phải nâng cao năng lực của DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nâng cao năng lực các hộ kinh doanh. Để làm được như vậy, minh bạch hóa, số hóa, nâng cao năng suất lao động chính là cách để chúng ta có thể tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cảm ơn ông với những chia sẻ trên!

EVFTA và bài toán sở hữu trí tuệ (VietQ.vn) - Nếu các doanh nghiệp “thờ ơ” với vấn đề sở hữu trí tuệ thì sẽ không có “cửa” đưa sản phẩm vào thị trường EU.

Lê Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang