Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp

author 19:42 26/12/2019

(VietQ.vn) - Trong giai đoạn tới, mức tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi đạt trung bình 4- 5%/năm, phát triển theo hướng tập trung và hiện đại hóa, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2030 phải đạt trên 40%.

Đây là kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra tại hội nghị chiến lược phát triển chăn nuôi toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị chiến lược phát triển chăn nuôi toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương- Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau 10 năm triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008- 2018, phần lớn các nội dung định hướng phát triển và mục tiêu chính của Chiến lược đã được thực hiện đạt yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng duy trì vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu.

Chăn nuôi Việt Nam thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, cụ thể năm 2018: sản lượng thịt các loại trên 5,3 triệu tấn, trong đó, riêng  giá trị ngành hàng thịt lợn đã ngang bằng ngành lúa gạo; trên 11,5 tỷ quả trứng, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng, và trên 960.000 tấn sữa tươi nguyên liệu, tương đương với trên 12.000 tỷ đồng; doanh số ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp hằng năm đạt gần 20 triệu tấn, tương đương với trên 200.000 tỷ đồng…

Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5-6%/năm, góp phần dùy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu như: mật ong, lợn sữa, lợn thịt, trứng muối, trứng cút, thịt gà, các sản phẩm sữa và TACN.

Trong giai đoạn tới, ngành chăn nuôi phấn đấu, đến năm 2030 phần lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất theo mô hình trang trại và mô hình hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2030 đạt trên 40%, trong đó, năm 2020 đạt khoảng 35 % và năm 2025 đạt khoảng 38%. Đặc biệt là kiểm soát tốt dịch bệnh, vấn đề an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống vùng chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát tốt môi trường- ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, cần đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh các nghiên cứu chuyển giao; trong đó cần coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học ứng dụng của các doanh nghiệp- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang