Phát triển công nghệ thúc đẩy những mảng kinh doanh mới

author 19:03 09/05/2019

(VietQ.vn) - "Công nghệ là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất, thậm chí là duy nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp", bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast nhận định.

Sự kiện: Công nghệ

Công nghệ là con đường duy nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (9/5), bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast nhận định công nghệ là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất, thậm chí là duy nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Do vậy, Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ thông qua việc sản xuất ôtô, xe máy và điện thoại thông minh. Vingoup đang phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, hướng tới trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong những năm tới.

Bà Thủy thông tin thêm, chỉ sau 8 tháng chuyển đổi số, Vingoup đã đạt được nhiều kết quả ở hầu hết các mảng kinh doanh. Trong đó, đơn vị thành lập khối Vintech, Vinfast, VinSmart cùng nhiều công ty công nghệ con khác. Riêng dự án VinTech City sẽ hướng đến trở thành thung lũng Silicon tại Việt Nam, ươm mầm cho các công ty công nghệ mới thành lập.

 Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast

Bên cạnh đó, Vingoup cũng hợp tác với những tập đoàn hàng đầu thế giới để học hỏi và chuyển giao công nghệ sản xuất trong thời gian ngắn. Đây là cơ sở để doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm như ô tô, xe máy, điện thoại chỉ trong thời gian ngắn. Cùng với đó, Vingroup chú trọng vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng lâu dài qua xây dừng dự án đào tạo và đại học VinUni. Các dự án giáo dục đã thu hút nhiều giáo sư nổi tiếng nước ngoài đến giảng dạy và làm việc.

Cuối cùng, để mở rộng mạng lưới kinh doanh, Vingroup hướng đến các nước có nền công nghệ phát triển. Tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc,... Vingroup đều đã có trụ sở, thậm chí cửa hàng. Từ đó đơn vị dễ dàng tiếp cận và tận dụng những lợi thế công nghệ của những nước đi trước.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ cho rằng để sản xuất các sản phẩm công nghệ đang đòi hỏi chi phí khá lớn, lợi nhuận thu hồi lâu nên rất cần những sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Đại diện Vingoup kiến nghị cần có sự thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là buộc những doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Bên cạnh đó là mở rộng chính sách ưu tiên thị trường cho những doanh nghiệp lớn như Vingroup.

Doanh nghiệp Việt cùng nhau xây dựng hệ sinh thái công nghệ, cùng nhau vươn ra thế giới

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be cho biết, Be Group môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. "Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ", ông Hải lý giải.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be  

Đề xuất giải pháp cho bài toán này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ông cũng nêu ví dụ điển hình là mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.

"Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống. Be Group cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp khách trong tiến trình xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt Nam", đại diện Be Group khẳng định.

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang