Phát triển điện hạt nhân: Cần sự đồng thuận cao

author 06:09 05/08/2016

(VietQ.vn) - “Việt Nam bắt đầu xây dựng điện hạt nhân, ngoài các yếu tố về nhân lực, pháp quy an toàn, tài chính… yếu tố đồng thuận trong xã hội là rất quan trọng”

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE) phối hợp với Cục Năng lượng Nguyên tử (VAEA) tổ chức “Ngày Khoa học và Hạt nhân” tại Hà Nội.

Tuyên truyền đúng hướng, tạo đồng thuận

“Ngày Khoa học và Hạt nhân 2016” diễn ra với một loạt các hoạt động vui chơi cho học sinh, như vui chơi có ứng dụng đến mô hình điện hạt nhân, piano nguyên tử, thi vẽ tranh với chủ đề “Tương lai Việt Nam với nhà máy điện hạt nhân’’…

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Andrey Stankevich - Đại diện nhà máy điện hạt nhân của Nga (ROSATOM) tại Việt Nam khẳng định “Ngày Khoa học và Hạt nhân tại Hà Nội” là hoạt động nhằm khuyến khích, mở rộng cơ hội tiếp cận các kiến thức về khoa học hạt nhân tới đông đảo học sinh, sinh viên, cũng như các cá nhân tổ chức, cá nhân quan tâm tới lĩnh vực này.

Theo PGS, TS. Hà Mạnh Thư, Giám đốc ICONE, “Ngày Khoa học và Hạt nhân 2016” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng khoa học và năng lượng hạt nhân trong tương lai.

“Việt Nam bắt đầu xây dựng điện hạt nhân, ngoài các yếu tố về nhân lực, pháp quy an toàn, tài chính… yếu tố đồng thuận trong xã hội là rất quan trọng”, PGS, TS. Hà Mạnh Thư nhấn mạnh.

“Ngày Khoa học và Hạt nhân” giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về vấn đề điện hạt nhân 

Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền phải được tiến hành bài bản, sâu rộng, lâu dài để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các địa phương có địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trên thực tế, Giám đốc ICONE cho biết, nước ta mỗi năm có hàng chục hội thảo trong nước và hội thảo quốc tế về thông tin, truyền thông điện hạt nhân với các nội dung liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân, công nghệ xử lý thải, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở pháp lý, lựa chọn địa điểm, tính cạnh tranh kinh tế của điện hạt nhân, di dân giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, các cuộc triển lãm quốc tế về điện hạt nhân cũng được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của rất nhiều nước có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Mỹ, Canada, Bungari, Trung Quốc, Ấn Độ… đã dần tạo nền tảng nhận thức đúng về năng lượng nguyên tử cũng như điện hạt nhân.

Định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030 theo Đề án số 370 về Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2013 đã nhấn mạnh: Hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân phải đảm bảo kịp thời, minh bạch, được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.

Theo Đề án số 370, các cơ quan chức năng cần chú trọng triển khai thông tin tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân đến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ đó tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, góp phần tạo nên sự thành công của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Việt Nam là điển hình tốt về vấn đề hạt nhân

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) về an ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington D.C., Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự.

Hội nghị năm nay có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao 52 quốc gia, Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế.

Mục tiêu của Hội nghị là đánh giá những tiến bộ đạt được từ toàn bộ tiến trình qua 3 Hội nghị trước và trao đổi về các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân thời gian tới.

Bên cạnh Thông cáo của Hội nghị theo thông lệ, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua Kế hoạch hành động cụ thể đối với 5 cơ chế/sáng kiến quốc tế chính, trong đó có Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vật liệu liên quan (GP).

Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) về an ninh hạt nhân lần thứ 4 

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII; khẳng định và đề cao chính sách nhất quán không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.

Kể từ sau các HNTĐ năm 2010, 2012 và 2014, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó có việc gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi, phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA năm 2012.

Việt Nam cũng gia nhập Công ước chung về an toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Hoa Kỳ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI-2014) và tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là điển hình tốt.

Đề xuất lùi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào sâu đất liền(VietQ.vn) - Địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được đề xuất lùi sâu vào đất liền khoảng 400m so với vị trí được duyệt trong quy hoạch năm 2010.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang