Phát triển hệ thống giao thông thông minh: Trụ cột quan trọng để xây dựng đô thị thông minh

author 06:50 25/10/2020

(VietQ.vn) - Việc phát triển hệ thống giao thông thông minh được coi là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng nên một đô thị thông minh.

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đô thị. Định hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững là một trong những nội dung quan trọng đã được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Trung, Nam, và đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Cao Đức Phát, hiện nay, quá trình xây dựng đô thị thông minh đang tập trung vào các trụ cột chủ yếu đó là, quản trị thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh, con người thông minh. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông thông minh được coi là trụ cột quan trọng.

Giao thông thông minh gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và chiến lược quản lý hiện đại vào hệ thống giao thông đô thị nhằm mục đích cung cấp các phương thức và dịch vụ vận tải vào quản lý giao thông một cách sáng tạo. Trong đó, người tham gia giao thông được thông tin tốt hơn, được sử dụng mạng lưới giao thông đô thị an toàn hơn.

Trong những năm vừa qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hệ thống giao thông tại nhiều đô thị của Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn còn nhiều yếu kém, hạ tầng không theo kịp sự phát triển của đô thị, vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi… Những vấn đề của giao thông đô thị nêu trên có thể giải quyết được nếu chúng ta có cách thức tổ chức quản trị và điều hành giao thông thông minh hơn, ứng dụng các công nghệ hiện đại, kết hợp với việc phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng.

Một số đô thị lớn của Việt Nam đã triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị với các ứng dụng thông minh như camera giám sát, khai thác dữ liệu giao thông từ hệ thống vé điện từ và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Ảnh minh họa 

Đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Koh Siong Lim, Giám đốc phụ trách Giải pháp dành cho khối Chính phủ, HPE khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho biết, ở địa phương, do có nguồn lực hạn chế nên các giải pháp công nghệ cần được ưu tiên chọn lựa, tập trung giải quyết một vấn đề dữ liệu nhất định của giải pháp đó trong giao thông hoặc thủ tục hành chính, nhưng phải ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển đổi số của địa phương đó. Ngoài ra, cần định vị trước các giá trị, lợi ích có được trước khi tập trung phát triển nền tảng số, sau đó dần mở rộng thành hệ sinh thái chuyển đổi số.

Các hạ tầng thông minh được triển khai bao gồm chính quyền số, y tế số, giao thông thông minh và bảo mật. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 70% dân số trên toàn thế giới sống trong các đô thị. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.

Ông Alfonso Vegara, người sáng lập Fundacion Metropoli cho rằng: Cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh cần phải được kết nối số. Việt Nam thu hút khá nhiều đầu tư nước ngoài và đây là thời gian thúc đẩy hàm lượng sáng tạo của Việt Nam để phát triển các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh.

Theo các diễn giả, Việt Nam đã có sẵn nền tảng công nghệ được đánh giá là vào hàng đầu, do vậy, việc xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh dựa trên 4 khía cạnh chính: Hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang