Phát triển khoa học công nghệ và bài học từ kỳ tích của tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019

author 06:30 22/01/2019

(VietQ.vn) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để khoa học công nghệ đạt kỳ tích như tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019, ngoài nền tảng, niềm tin, bản lĩnh và khát vọng là những vấn đề quan trọng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2018, với sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã có những bước phát triển quan trọng trên mọi lĩnh vực.

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08%, nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, toàn bộ 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 09 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong thành công chung đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng và toàn diện.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp khoa học công nghệ đóng góp vai trò lớn giúp giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 , tăng 3,86% so với năm 2017 . Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017.Trong đó, thuỷ sản 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 17 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD; tôm: 3,59 tỷ USD; rau quả: 3,81 tỷ USD; cà phê: 3,46 tỷ USD; hạt điều: 3,43 tỷ USD).

Các kết quả nổi bật nêu trên của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp tăng lên đáng kể. Ảnh: báo Vĩnh Phúc 

Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thủy sản (tôm nước lợ, cá tra); rau, hoa, quả nhiệt đới; đồ gỗ và lâm sản.

Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo đã giảm xuống còn dưới 10%...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm  đạt khoảng 94% (tăng 1% so với năm 2017; vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 98%); khâu gieo, cấy lúa bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 42%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (lúa, mía, chè) đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp là 2%  so với năm 2017.

Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Đánh giá về những kết quả, đóng góp lớn lao của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kết quả tăng trưởng ngày hôm nay chính là từ những sự tích lũy, nỗ lực trong khoảng thời gian dài.

“Những kết quả mà khoa học công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp mang lại ngày hôm nay chính là sự tích lũy, kế thừa của cả một giai đoạn dài chúng ta quyết tâm đưa những thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, thực tiễn cuộc sống, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nói ví von về những thành quả nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp với chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Jordan tại Asian Cup 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngoài những nền tảng có sẵn, để thành công hơn thì bản lĩnh, niềm tin và khát vọng là những vấn đề quan trọng.

“Đội tuyển Việt Nam đã tạo nên một kỳ tích lịch sử. Đó là kết quả của sự kết hợp giữa nền tảng kỹ thuật, chiến thuật, sức khỏe.. với niềm tin và khát vọng. Nói rộng ra để thấy trong khoa học công nghệ, ngoài nền tảng có sẵn, những khát vọng, niềm tin về sự đổi mới, vươn lên là rất cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Cũng theo vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp, sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua có nhiều dấu ấn rất đáng để tự hào. Bởi trong bối cảnh tài nguyên, khoáng sản đang dần cạn kiệt, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt.

“Từ khi đổi mới (1986) đến nay, nền kinh tế-xã hội Việt Nam đã có những thay đổi đáng tự hào. Từ một nước mà người dân chỉ có thu nhập 74 USD/người đến nay đã tăng tới mức 2.570 USD/người. Từ một nước đói nghèo, gạo không đủ ăn nay đã là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa với kim ngạch hai chiều tới gần 500 nghìn tỷ USD (thặng dư tới 7,2 tỷ USD). Suy cho cùng, trong tất cả những tiến triển vượt bậc này, khoa học công nghệ đã đóng vai trò lớn”, Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành khoa học công nghệ năm 2019. Ảnh: Hán Hiển 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Bộ KH&CN đã làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ, Nhà nước xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản thuộc nội hàm khoa học công nghệ cũng như việc đề xuất các cơ chế đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, Bộ KH&CN trong sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan được thực hiện thường xuyên với tinh thần cầu thị, không nề hà việc khó, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng từ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

Về những thách thức trong thời gian tới đối với ngành khoa học công nghệ, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam không thể chủ quan với bẫy thu nhập trung bình, và Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan phải có những đột phá để thoát bẫy. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế Việt Nam đang có dân số vàng, tận dụng lợi thế cuộc cách mạng 4.0 để phát triển.

“Thời gian tới, tôi mong Bộ KH&CN tiếp tục có các phương án hoàn thiện thể chế khoa học công nghệ. Trong đó, tập trung đặc biệt vào xây dựng, hoàn thiện phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt cho ngành nông nghiệp – yếu tố để hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh với nước ngoài. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Cường bày tỏ kỳ vọng.

Hán Hiển

Khoa học và công nghệ phải là động lực, chìa khóa phát triển bền vững(VietQ.vn) - Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2019 vừa diễn ra sáng nay.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang