Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - bước đột phá nâng cao NSCL

author 15:41 17/05/2021

(VietQ.vn) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hoá khát vọng đó cần có sự bứt phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, những đóng góp về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, khoa học - công nghệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy gia tăng về số lượng, song thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong; các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 42 đề tài, dự án, trong đó nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị được ứng dụng trong sản xuất, đời sống. 

Một số đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Các chương trình, kế hoạch về khoa học và công nghệ đã được chỉ đạo triển khai kịp thời như xây dựng đội ngũ trí thức, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Công tác xây dựng, bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể được quan tâm, góp phần tuyên truyền quảng bá có hiệu quả các sản phẩm đặc sản của địa phương tới người tiêu dùng. Việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001 tại các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được thực hiện đồng bộ, giúp cho việc quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được tăng cường, góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận đo lường được quan tâm góp phần bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải cùng các Sở, ngành kiểm tra mô hình trồng giống lê VH6 tại huyện Ngân Sơn

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu chưa nhân rộng vào thực tiễn; việc đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ còn nhiều khó khăn; công nghệ sản xuất của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu; thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển.

Hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến tuy đã có nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp và hiệu quả chưa cao. Đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ còn ít và thiếu chuyên gia trong cả lĩnh vực công nghệ cơ bản và công nghệ cao.

Nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế… Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhấn mạnh cần cụ thể hóa, triển khai đồng đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế chính sách thu hút, sử dụng nguồn lực có trình độ cao trên một số lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính thực tiễn và cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ này, ngành Khoa học và Công nghệ xác định tập trung đầu tư nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học công nghệ về nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như: cam, quýt, hồng không hạt, chè Shan tuyết, miến dong, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, lợn địa phương…

Nghiên cứu, phát triển các loại dược liệu có giá trị cao theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến nông, lâm sản, trồng và chế biến gỗ; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh; thực hiện tốt công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy phát triển thị trường và hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; từng bước xây dựng quỹ phát triển khoa học và công nghệ, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa doanh nghiệp, hợp tác xã trở thành trung tâm của hoạt động này; hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng tiếp cận với các chương trình khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia và các quỹ đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý khoa học công nghệ, có cơ chế thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ làm việc và cống hiến cho địa phương.

Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự định hướng, đầu tư nguồn lực của chính quyền để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quan trọng hơn cả là sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới của đội ngũ cán bộ quản lý và trí thức khoa học công nghệ để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tiếp cận với những lĩnh vực khoa học công nghệ mới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.

Vì sao chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam?(VietQ.vn) - Ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo Sở KH&CN Bắc Kạn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang