Phát triển mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông - Tây Nguyên

author 06:15 13/12/2018

(VietQ.vn) - Thổ cẩm là "gia tài" của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông nói riêng và của Việt Nam nói chung, không những mang đậm bản sắc mà còn biểu đạt các giá trị nhân văn, là di sản văn hóa thiêng liêng cần được bảo tồn và phát triển.

Thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và của cả nước nói chung rất đa dạng về màu sắc, phong phú về đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng, biểu đạt các giá trị nhân văn. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu hiện nay, văn hóa thổ cẩm đã dần bị mai một. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 tại tỉnh Đắk Nông, là hoạt động cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 tại tỉnh Đắk Nông, là hoạt động cần thiết nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: Đan Xen.

Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất Tây Nguyên. Trong đó, thổ cẩm là "gia tài" cũng là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thổ cầm còn nhiều hạn chế, vì vậy, thông qua hoạt động của lễ hội, chúng tôi kỳ vọng lễ hội sẽ là cầu nối cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm nhằm hướng tới phát triển bền vững nghề thổ cẩm và các sản phẩm thổ cẩm sẽ tìm được đầu ra ổn định. Đồng thời, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số, cũng như mong muốn mặt hàng thổ cẩm sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng sẽ giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành nghề thổ cẩm và ngành công nghiệp thời trang, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập bền vững vào nền kinh tế quốc tế.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, trong giai đoạn từ 2018 - 2020, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư vào 25 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.660 tỷ đồng vào các lĩnh vực nông nghiệp; hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch….

Ngoài ra, Đắk Nông còn có sự đa dạng của ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam mà ít nơi nào có được, tạo cho du khách vừa có cảm giác thân quen, vừa có cả giác mới lạ, trong đó, những món ăn phải kể đến là: Rượu cần, cơm lam, canh thụt.. Đắk Nông còn là tỉnh nằm trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, có nền văn hóa nghệ thuật rất phong phú, đa dạng và sinh động còn được bảo tồn như: cồng chiêng, đàn đá và những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu tre, nứa của núi rừng, những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê, các sản phẩm làng nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng... thu hút sự quan tâm của du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài nước. 

 Đan Xen

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang