Phát triển năng lượng nguyên tử: Nguyồn nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng

authorMinh Hà 20:39 04/12/2015

(VietQ.vn) - Trong 2 ngày 6,7/ 12 tới, tại Hà Nội, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ được diễn ra, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền sẽ đại diện cho đội ngũ cán bộ của Bộ KH&CN báo cáo tại Đại hội.

Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Nhị Điền – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam nói chung và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nói riêng trong thời gian vừa qua?

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền: Trong những năm qua, Viện NLNT nói chung và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước hết nói về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào lĩnh vực y tế, thành tựu lớn nhất trong 30 năm qua, nhưng đặc biệt là trong 5 năm gần đây, số lượng đồng vị phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện đã tăng nhiều. Hiện nay, có 25 bệnh viện đang sử dụng sản phẩm trong nước do chính Ngành NLNT cung cấp và nhiều các tỉnh khác như Phú Yên, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, ... đang hoặc có kế hoạch xây dựng khoa y học hạt nhân và như vậy nhu cầu cung cấp đồng vị phóng xạ ngày càng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Ông Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Trong công nghiệp, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí đã được áp dụng thành công trong nước và đang vươn ra thị trường của các quốc gia giàu dầu khí ở Trung Đông. Bên cạnh đó, trong nông nghiệp, kỹ thuật chiếu xạ tạo giống cây trồng đã được các viện nghiên cứu của ngành nông nghiệp thực hiện, nhiều giống lúa đột biến bằng phóng xạ được tạo ra như DT10, Khang Dân, VND 95-20, TNĐB, ... chiếm diện tích gieo trồng lớn trong nước; và các giống đậu tương đột biến như DT90, DT99, DT2008, ... có năng suất cao, khả năng chịu sâu bệnh tốt.

Tuy nhiên, để đạt được các kết quả, một yếu tố quan trọng là do cơ chế chính sách thuận lợi, nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực NLNT được ban hành, cụ thể là Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020; Luật Năng lượng nguyên tử lần đầu tiên có hiệu lực từ năm 2009, ... Trong chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN), dấu mốc quan trọng là ngày 25/11/2009, Nghị quyết số 41 của Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận; Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có dự án thành phần là Trung tâm KH&CN hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu mới, ... Chính vì thế nhiệm vụ của Ngành NLNT nói chung trong những năm vừa qua cũng phải tham gia xây dựng cơ chế chính sách để sao cho thực thi kế hoạch thực hiện dự án ĐHN, vừa tham gia nghiên cứu lựa chọn công nghệ cho các nhà máy ĐHN Ninh Thuận, đánh giá tác động môi trường của các địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy, ... đào tạo đội ngũ cán bộ, cũng như thực hiện các công việc liên quan đến thông tin dân chúng về ĐHN, chính vì thế mà những kết quả đó đã được các ngành ghi nhận.

Ngoài ra, về lĩnh vực lò phản ứng nghiên cứu, chúng ta tham gia chương trình toàn cầu về giảm độ giàu nhiên liệu của lò phản ứng nghiên cứu và lò thử nghiệm, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là 1 trong khoảng 100 lò thuộc chương trình đó. Việt Nam đã tuân thủ đề xuất của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế là tham gia chương trình để cùng hướng tới mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân bằng cách giảm thiểu, tiến tới loại bỏ việc sử dụng uranium có độ giàu cao trong các ứng dụng hạt nhân dân sự. Vì vậy, Ngành NLNTVN đã trực tiếp chủ trì và thực hiện dự án, kéo dài gần 10 năm từ 2005 đến cuối năm 2013, và kết quả là chúng ta đã thực hiện thành công dự án chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp và chuyển trả tất cả nhiên liệu độ giàu cao về Liên bang Nga, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Dự án đã đưa lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Trước hết đó là kéo dài thời gian vận hành Lò phản ứng đến khoảng năm 2030. Điều quan trọng là chúng ta đang chuẩn bị xây dựng dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu công suất khoảng 15 MW, dự kiến sau 2023 lò phản ứng mới có thể vận hành được, và như vậy việc kéo dài thời gian vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ tránh được khoảng thời gian hụt hẫng không có thiết bị hạt nhân để vận hành và khai thác, và nhờ đó, tránh được nguy cơ mất cán bộ có kinh nghiệm do không có thiết bị hạt nhân để sử dụng. Theo kế hoạch, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm vận hành và khai thác từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ được chuyển sang làm việc trên Lò phản ứng nghiên cứu mới của Trung tâm KH&CN hạt nhân, như vậy là ta vừa giữ được cán bộ, vừa có kế hoạch để đào tạo thêm cán bộ trong 10 năm tới.

Theo ông điều gì là cần thiết nhất trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực NLNT?

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền: Có thể nói ngành nào cũng vậy, nhưng đối với ngành hạt nhân nói riêng đội ngũ cán bộ là rất quan trọng. Trong lĩnh vực hạt nhân đội ngũ cán bộ rất đa ngành, đa lĩnh vực, nên xây dựng đội ngũ của ngành hạt nhân, chính là sẽ góp phần đưa được kỹ thuật hạt nhân phục vụ cho các ngành khác.

Ví dụ hiện nay chưa có nhiều kỹ thuật khác để có thể thay thế được kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán sớm khối u và điều trị ung thư bằng chiếu xạ; kỹ thuật tạo ra các giống cây trồng mới bằng đột biến phóng xạ cũng vậy, rất tiên tiến và đặc thù; hoặc trong các nhà máy công nghiệp sản xuất giấy, xi măng, luyện thép,... việc đo các mức chất lỏng trong bình kín, đánh giá mật độ vật liệu, kiểm tra độ dày lớp mã,... hoặc đánh giá các quá trình ăn mòn và tình trạng bên trong các cột chưng cất trong các nhà máy hoá chất, lọc dầu,...

Vì thế cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật đa ngành để vừa có khả năng nghiên cứu, vừa có khả năng triển khai các kỹ thuật hạt nhân phục vụ các ngành. Tuy nhiên, làm được việc đó cần phải có cơ chế chính sách, cần tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn,…và như vậy sẽ có sự lan tỏa từ ứng dụng của ngành hạt nhân ra các ngành khác.

Nếu có được 1 chương trình nghiên cứu có định hướng, có tính lâu dài thì sẽ thúc đẩy đào tạo được đội ngũ cán bộ đồng thời đưa ra các ứng dụng thiết thực phục vụ đời sống xã hội.

Chia sẻ cảm xúc khi đại diện cho đội ngũ cán bộ của Bộ KH&CN báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này?

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền: Về cá nhân tôi thấy rất vinh dự, nhưng tôi cũng hiểu rằng đây là trọng trách lớn lao của ngành NLNT nói riêng cũng như của ngành KH&CN nói chung, nên tôi thấy lo lắng và cảm thấy đây là một sự gửi gắm niềm tin của Lãnh đạo các cấp đối với tôi mà có thể ban đầu, tôi chưa hình dung hết được tầm quan trọng đến thế.

Được cử đi dự Đại hội, tôi nhận thức đây là một cơ hội tốt để gặp gỡ những các nhân điển hình từ nhiều lĩnh vực khác nhau để có dịp trao đổi kinh nghiệm, giao lưu để hiểu biết thêm. Vì vậy, tôi cảm thấy rất lo lắng liệu mình có truyền tải được hết những kết quả mà ngành KH&CN nói chung đã gặt hái được trong thời gian vừa qua, và những đóng góp của KH&CN phục vụ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước như Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XI khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là phát triển KH&CN phải thực sự trở thành động lực để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang