Phát triển nguồn gen thành hàng hóa: Hướng bảo tồn bền vững

author 09:11 09/12/2013

Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, trong vòng 10 năm qua, công tác bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn quỹ gen thực vật, động vật, vi sinh vật ở nước ta đã có những bước chuyển rõ rệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH&CN, do thiếu nguồn nhân lực và kinh phí, nhận thức xã hội về việc bảo tồn quỹ gen còn thấp nên công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, việc khai thác phát triển nguồn gen còn hạn chế.

Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế

Với nguồn gen cây trồng nông nghiệp, hoạt động điều tra, thu thập và nhập nội giống diễn ra nhiều và mạnh nhất. Theo Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Liễu thì trong 2 năm qua, tính đến tháng 11-2013 đã có trên 30.000 nguồn gen của 490 loài cây trồng được thu thập. Gần 130 nguồn gen nấm ăn và dược liệu đã được thu thập từ các nguồn khác nhau. Trong các giống vật nuôi, đến nay đã phát hiện thêm 55 nguồn gen, trong đó có những giống được khai thác thành hàng hóa và có thương hiệu như cừu Phan Rang, bò H'mông, ngựa bạch, gà H'mông. Có 23 giống được đưa vào danh sách kinh doanh và sản xuất của Bộ NN&PTNT. Riêng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã thu thập, bảo tồn hàng trăm nguồn gen, trong đó có các loài quý hiếm.



Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, với nguồn kinh phí được cấp ở mức khiêm tốn (3,45 tỷ đồng trong năm 2012), Bộ đã phát triển một số nguồn gen cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế như gà Tè, lợn Hung, hoa sen Đồng bằng Bắc bộ, hoàng tinh hoa trắng, củ dòm, cá chạch sông, cá chìa vôi cây báng, cây bướm trắng... 

Trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã xây dựng được hệ thống và mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc, điều tra cơ bản cây thuốc của trên 20 dân tộc khác nhau và xây dựng được danh mục 3.948 loài cây, con và nấm làm thuốc ở Việt Nam. Công tác bảo tồn, lưu giữ tại chỗ nguồn gen dược liệu đã bước đầu được thực hiện, một hệ thống bảo tồn tại chỗ đã hình thành, gồm 30 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên, 38 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích hơn 2,4 triệu héc ta, bao phủ được khoảng 90% số loài có trong sách đỏ Việt Nam. 

Ít nguồn gen được phát triển thành hàng hóa

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, có được những kết quả nêu trên là do việc bảo tồn và phát triển nguồn gen nhận được sự quan tâm của các tổ chức KHCN, sự đầu tư đáng kể của Nhà nước và của toàn xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác KHCN về quỹ gen vẫn còn những hạn chế rất cơ bản cần phải thẳng thắn thừa nhận và có hướng khắc phục. Cho đến nay, Việt Nam chưa có những tiêu chí cơ bản để xác định đối tượng nguồn gen cần ưu tiên bảo tồn, chưa xác định được đối tượng nguồn gen đặc hữu và quý hiếm nhằm bảo tồn có trọng tâm. Mức độ xói mòn nguồn gen trong tự nhiên, sản xuất và trong lưu giữ bảo quản còn cao, trong khi đó, ta lại chưa có chương trình, dự án điều tra, kiểm tra, đánh giá chính xác tiềm năng thực sự của nguồn gen và thực trạng xói mòn. Đặc biệt, việc nghiên cứu sử dụng, khai thác, phát triển nguồn gen còn nhiều hạn chế.

Trong lĩnh vực cây dược liệu, PGS. TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, sự tham gia của "4 - 5 nhà" được nhắc đến nhiều nhưng thực tế cho thấy công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc vẫn chưa được nhận thức một cách đúng đắn. Nhìn chung, chúng ta chưa chú ý đến việc phát triển và thương mại hóa các loài bảo tồn mà mới chú trọng đến bảo tồn nguồn gen. Ví dụ, có nhiều loài được ưu tiên bảo tồn như ngũ gia bì, sâm Việt Nam, sâm báo, sâm vũ diệp, hoàng liên chân gà… nhưng sản phẩm từ chúng chưa tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lý do chính là chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn thông qua phát triển, chưa có kiến thức và kỹ năng về nghiên cứu phát triển, tạo dựng thị trường, chưa thực sự huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp. Giải pháp mà đại diện Bộ Y tế đưa ra là phát triển mạng lưới tổ chức bảo tồn với chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức bảo tồn. Nhưng, như thế liệu đã là đủ? 

Theo đại diện Vụ KH&CN (Bộ Công thương), Dương Xuân Diêu, trong thời gian tới cần tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn nguồn gen; thiết lập mối liên kết giữa viện nghiên cứu và một số đơn vị trong, ngoài nước có kinh nghiệm về bảo tồn nguồn gen. 

Quan điểm của Bộ KH&CN là cần lồng ghép chính sách bảo tồn với các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lồng ghép công tác KHCN về nguồn gen với các hoạt động công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế vùng và địa phương. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, cần xã hội hóa nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và duy trì hoạt động các trung tâm theo mô hình công tư kết hợp (PPP), bao gồm nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp, các quỹ về môi trường và đa dạng sinh học, nhà tài trợ, các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cần sớm được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo HNM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang