Phát triển nhanh loại hình doanh nghiệp KHCN

author 21:01 26/10/2012

(VietQ.vn) - Ngày làm việc thứ 4, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học Công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân trình bày.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 80 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới).

Chú trọng phát triển doanh nghiệp KH&CN 

Trong số những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng so với hiện hành, ông Nguyễn Quân cho biết, dự luật đã bổ sung quy định về điều kin thành lập, ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN nhằm tạo điều kiện phát triển nhanh loại hình doanh nghiệp được hình thành từ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và có thể tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thông qua việc chuyển nhượng tài sản trí tuệ hoặc hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp mà họ có thể góp vốn bằng tài sản trí tuệ.

 Quang cảnh kì họp Quốc hội

Dự luật cũng đã bổ sung quy định về đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, về khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp và về hợp đồng KH&CN …

Qua thẩm tra dự luật, Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường (KHCN& MT) của QH đề nghị quy định rõ hơn trong dự thảo Luật hệ thống các tổ chức KH&CN ở Việt Nam, làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa hoạt động KH&CN, sản xuất và kinh doanh, khắc phục tính phân tán, dàn trải hiện nay.

Có thể phân loại các tổ chức KH&CN theo các tiêu chí như: theo loại hình sở hữu (công lập, ngoài công lập); theo loại hình nghiên cứu KH&CN (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai); theo cấp quản lý (cấp quốc gia, cấp trung ương, bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp)”, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT Phan Xuân Dũng kiến nghị. Vị thế của các tổ chức KH&CN thuộc các trường đại học, các doanh nghiệp, liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật và các tổ chức xã hội khác… cũng được đề nghị làm rõ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động KH&CN.

Bên cạnh đó, trong cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý của hai cơ quan KH&CN quốc gia thuộc Chính phủ là Viện KH&CN Việt Nam và Viện KHXH Việt Nam, cũng như mối quan hệ của hai Viện này với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN là Bộ KH&CN; quy định tiêu chí để phân tầng, phân loại các tổ chức KH&CN, đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN, tạo điều kiện để Nhà nước tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu KH&CN nòng cốt.

Tán thành chủ trương tạo điều kiện phát triển nhanh loại hình doanh nghiệp được hình thành từ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, song cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về điều kiện công nhận doanh nghiệp KHCN, về các hoạt động KHCN mà doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi; đặc biệt là về cơ chế để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp ứng dụng nghiên cứu KHCN trong sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến nội dung về hợp đồng KHCN, Ủy ban KHCN&MT nhận xét, dự Luật có quy định về ba loại hợp đồng KHCN là hợp đồng đặt hàng nghiên cứu; hợp đồng chuyển giao công nghệ và hợp đồng dịch vụ KHCN. Tuy nhiên, dự luật chỉ quy định chi tiết về hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nội dung hai loại hợp đồng KHCN còn lại được viện dẫn sang pháp luật về chuyển giao công nghệ và pháp luật dân sự. Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại các nội dung này cho cân đối hơn đối với cả ba loại hợp đồng nói trên, đặc biệt là nội dung quy định về mua bán bản quyền công nghệ hiện đang phổ biến trong các doanh nghiệp.

Nhiều đổi mới về cơ chế tài chính và tín dụng cho KH&CN

Ủy ban KHCN&MT nhất trí cho rằng, một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN cho phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH&CN (sửa đổi).

Dự luật đã bổ sung quy định về điều kiện thành lập, ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN
Dự luật đã bổ sung quy định về điều kiện thành lập, ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN

Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế tài chính có liên quan đến các văn bản pháp luật về tài chính, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung). Do đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định có tính đột phá, đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN theo những quan điểm mới trong Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này và có đề xuất cụ thể để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực KH&CN được coi là quốc sách. 

Dự thảo Luật cũng chưa có các quy định cụ thể nhằm huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách để phát triển KH&CN. Nguồn tài chính cho các Quỹ  quy định trong dự thảo Luật vẫn chủ yếu là “vốn được cấp một lần ban đầu, vốn bổ sung được cấp tiếp hàng năm từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN”. Mặc dù dự thảo Luật có quy định nguồn vốn từ “các khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của các tổ chức, cá nhân”“các nguồn khác”, nhưng lại chưa có quy định cụ thể về chính sách ưu đãi đối với các chủ thể của nguồn vốn này.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính cho các hoạt động KH&CN, cần chỉnh sửa quy định trong các luật có liên quan về thuế đối với tài sản, tài sản thừa kế như quy định của pháp luật một số nước phát triển hiện nay, cơ quan thẩm tra đề xuất.

Có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành tỷ lệ thích hợp lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH&CN hoặc hình thành quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đồng thời quy định cơ chế phù hợp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn kinh phí này. Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến nêu trên.

Về việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Ủy ban KH, CN&MT nhất trí với cơ chế tài chính thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN trong dự thảo Luật, dù cho rằng không nên quy định chi tiết về cơ chế này ngay trong dự thảo Luật, mà giao Chính phủ quy định cụ thể.

“Chỉ nên áp dụng cơ chế khoán chi với những điều kiện xác định, đồng thời cần quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý KH&CN, của chủ nhiệm chương trình, đề tài trong thực hiện cơ chế này. Cùng với việc áp dụng chế độ khoán chi, Dự thảo Luật cũng cần quy định cơ chế Nhà nước mua các sản phẩm khoa học và công nghệ”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Bình An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang