Phát triển thị trường bán lẻ: Đừng quên thúc đẩy công nghệ và sáng tạo!

author 06:48 02/03/2019

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, để phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế, cần chú trọng đến việc thúc đẩy công nghệ và sự sáng tạo.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều khởi sắc

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, cùng với đó là sự phát triển của công nghệ số, ngành bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển với nhiều xu thế mới.

Hiện nay, bán lẻ theo chuỗi là xu hướng phát triển của các nhà bán lẻ, kể cả các nhà bán lẻ nhỏ, nhà đầu tư khởi nghiệp… Ở hầu hết các ngành bán lẻ đều có thể kinh doanh theo chuỗi, ví dụ chuỗi bán lẻ di động, điện máy, thời trang, giày dép, đồ dành cho mẹ và bé, chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm, dược phẩm… và đặc biệt phát triển mạnh mẽ là các chuỗi ẩm thực, ăn uống.

Mô hình bán lẻ chuỗi chỉ mới phát triển mạnh ở Việt Nam trong vài năm gần đây nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao doanh thu. Theo ước tính, mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, khoảng 20-30%/năm trong vài năm gần đây.

Cũng theo bà Loan, triển vọng ngành bán lẻ theo chuỗi chỉ thành công nếu đáp ứng được quy mô lớn, phương pháp quản trị tốt và có thương hiệu uy tín. Hiện nay, các chuỗi phát triển ở Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuỗi lớn trên thế giới. Bán lẻ Việt Nam cũng rất sáng tạo và có nhiều điểm đặc thù của ngành bán lẻ Việt và văn hóa Việt.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những bước tăng trưởng tốt. Ảnh: báo Diễn đàn doanh nghiệp 

Thời gian qua, các mô hình kinh doanh theo chuỗi như chuỗi bán lẻ điện máy, di động, thời trang giày dép, túi xách hay mô hình bán lẻ bách hóa tổng hợp... đã dần gắn với những thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart+, Thegioididong hay FPT shop...

Cùng nhận định lạc quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Rebecca Pearson - Phó Giám đốc CBRE châu Á cho rằng, GDP tại Việt Nam hiện đang tăng trưởng ổn định ở mức trên 5%/năm trong 10 năm qua và doanh thu bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 11,9% tới năm 2020.

Bà Rebecca Pearson nói thêm, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với GDP lên mức “đỉnh” 7,08%. Nước ta cũng xếp thứ 2 thế giới về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra tầm quốc tế một cách mạnh mẽ và ngành bán lẻ cũng không phải là một ngoại lệ trong tương lai.

Mặt bằng là yếu tố sống còn

Nói về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, trong nhiều yếu tố để đảm bảo sức cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ thì việc lựa chọn mặt bằng bán lẻ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi xây dựng, mở rộng chuỗi bán lẻ bên cạnh các yếu tố khác như chiến lược đầu tư - kinh doanh, nguồn lực tài chính, nhân lực, kỹ năng và công nghệ bán lẻ hiện đại.

“Mặt bằng là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp bán lẻ nói chung và doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi nói riêng. Hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng mặt bằng kinh doanh bên trong các trung tâm thương mại bởi tính ổn định về thời gian thuê và giá thuê của loại mặt bằng này”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nói.

Ngoài ra, mặt bằng bên trong trung tâm thương mại còn có một số thế mạnh nhất định đó chính là những tổ hợp xung quanh, doanh nghiệp không đứng đơn lẻ hay cô độc một mình trên phố.

Cũng theo bà Loan, ở trung tâm thương mại, các doanh nghiệp bán nhiều loại mặt hàng tạo nên một quần thể tương hỗ lẫn nhau. Trung tâm thương mại cũng là một điểm đến đông đúc thu hút người dân nên sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng cho các đơn vị bán lẻ. Tuy nhiên, có một thách thức đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam đó là diện tích mặt bằng/khách hàng còn thấp.

Ngoài ra, số liệu nghiên cứu cho thấy, 90% những người mua sắm trực tuyến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẽ mua nhiều hơn nếu đến cửa hàng thực tế để nhận những mặt hàng đã đặt qua mạng. Đây cũng là lý do các thương hiệu lớn và cả các nhà kinh doanh trực tuyến lớn như Uniqlo, Amazon… đều mở các cửa hàng thực tế.

Muốn phát triển bán lẻ, không thể không phát triển công nghệ

Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, tương lai ngành bán lẻ Việt Nam gồm công nghệ và sáng tạo. Nếu không có công nghệ và không có sáng tạo thì bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Đồng quan điểm trên, ông Geoffrey Morrison, Sáng lập và Giám đốc điều hành Concept I cho biết sản phẩm chỉ là thứ cấp so với trải nghiệm. Xu hướng bán lẻ mới cho thấy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông số chính là tương lai của ngành bán lẻ.

Yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ đó chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, tạo sự tương tác của khách hàng với công nghệ số. Giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí khách hàng có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn rồi đặt món hàng đó.

Theo ông Geoffrey Morrison, xu hướng không gian bán lẻ đang thay đổi rất nhiều. Nhiều thương hiệu hàng đầu cũng đã có những động thái cụ thể, phản ứng của Nike là đổi mới trong cửa hàng của họ như ngôi nhà đổi mới sáng tạo, giúp khách hàng có những trải nghiệm thực tế hơn. Nhiều cửa hàng thời trang hay ăn uống cũng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số giúp cho hoạt đột thanh toán, nhận hàng diễn ra nhanh hơn, giúp cho cửa hàng giảm đi sai sót...

Ứng dụng công nghệ vào thị trường bán lẻ là giải pháp thu hút nhiều hơn khách hàng. Ảnh minh họa 

Ông Geoffrey Morrison nhấn mạnh, 3 điểm lớn để ngành bán lẻ phát triển đó là phải tăng kết nối, tăng sự tương tác tạo ra môi trường tương tác tốt hơn; gắn thẻ khách hàng thường xuyên, kết hợp công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho khách. Đồng thời, giới thiệu những đổi mới sáng tạo, tạo ra trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách, tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Liên quan tới vấn đề này, theo bà Rebecca Pearson, xu hướng hiệu nay là các nhà bán lẻ trực tuyến cũng đang mở các cửa hàng thực tế để trưng bày, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và tăng hiệu quả kinh doanh.

“Các doanh nghiệp hãy nắm xu hướng đó đồng thời áp dụng công nghệ tại cửa hàng, chứ đừng chỉ quan tâm tới những cái nhấp chuột”, bà Rebecca Pearson nói.

Ở góc độ kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long doanh nghiệp Việt cần thiết lập văn minh tiêu dùng và nâng tầm chất lượng sống tại Việt Nam. Theo PGS Long, để tồn tại trong thời đại công nghiệp 4.0 này thì doanh nghiệp phải có thực lực, nắm bắt được tâm lý thị hiếu của người tiêu dùng và quan trọng nhất là tạo được niềm tin.

Bảo Lâm

Sự phát triển 'thần tốc' của nhà bán lẻ số 1 Việt Nam - VinMart & VinMart+(VietQ.vn) - Chỉ sau 4 năm hoạt động, VinMart & VinMart+ đã sở hữu tới 100 siêu thị, gần 1.500 cửa hàng, 33 phòng lab kiểm nghiệm vệ sinh ATTP tiêu chuẩn quốc tế trên toàn quốc… những bước phát triển thần tốc đã đưa hệ thống siêu thị của Vingroup lên ngôi đầu thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang