Phạt tù lái xe say rượu: Còn lái xe ‘say’ ma túy thì sao?

author 06:17 03/04/2015

(VietQ.vn) - Nếu chỉ kiến nghị phạt tù với lái xe vi phạm nồng độ cồn mà bỏ qua những chất kích thích nguy hiểm khác như ma túy thì sẽ là một thiếu sót.

Đề xuất phạt tù với người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định của Tổng cục Đường bộ mới đây tiếp tục nhận những ý kiến rất đáng quan tâm của các chuyên gia.

Mới chỉ đề xuất phạt tù với vi phạm nồng độ cồn

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông mới đây về việc đề nghị hình sự hóa đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường vi phạm nồng độ cồn.

Theo quy định hiện hành, tài xế có nồng độ cồn trong trong máu hoặc hơi thở vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở đang bị phạt 10 đến 15 triệu đồng/người điều khiển xe ô tô và 2 đến 3 triệu đồng/người điều khiển xe mô tô, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Mức phạt trên theo Tổng cục Đường bộ là chưa đủ nặng nên cần bổ sung hình sự hóa hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn quá quy định vào Bộ luật Hình sự.

Lý do để đưa ra đề xuất trên, Tổng cục Đường bộ cho rằng, hành vi vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông đã bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe còn bị khởi tố hình sự với hình phạt tù. Ở nước ta hiện nay, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn cao trong máu hoặc hơi thở cao hơn mức quy định trên vẫn chưa có chiều hướng giảm, là nguồn nguy cơ đe dọa an toàn cho xã hội nghiêm trọng.

Tổng cục Đường bộ đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu có hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Mức quy định cụ thể này là vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5 mg/1 lít khí thở. Theo Tổng cục Đường bộ, đây là chế tài phù hợp với hành vi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người điều khiển phương tiện khi điều khiển xe có nồng độ cồn cao hơn mức quy định, đảm bảo được tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội từ hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Phải công bằng với các chất kích thích khác

Kiểm tra nồng độ cồnNếu chỉ phạt tù lái xe vi phạm nồng độ cồn mà bỏ qua các chất kích thích khác là thiếu sót. Ảnh: thanhnien.com.vn

Trước đề xuất trên, TS Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, kiến nghị của Tổng cục đường bộ có liên quan đến một hành vi đã được mô tả trong Bộ luật hình sự hiện hành là “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại điều 202. Người bị coi là phạm tội này nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác”. Cũng bị coi là phạm tội này, kể cả là chưa gây hậu quả, nếu “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời”. Theo điều luật này, việc “có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng” là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.

Phạt tù đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn được coi là một kiến nghị rất mạnh tay đối với hiện tượng lạm dụng rượu của người điều khiển phương tiện giao thông, nếu xét theo truyền thống pháp luật Việt Nam từ trước đến nay. Theo TS. Ngô Dương, Tổng cục đường bộ nhìn nhận việc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong trạng thái sử dụng rượu trên mức cho phép là một vi phạm có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời như khoản 4 điều 202 đã quy định. “Nếu họ lập luận như vậy thì đó là điều khá hợp lý bởi khả năng gây hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu khi lái xe đã được khoa học chứng minh và được thừa nhận toàn cầu”, TS Ngô Dương nói.

Tuy nhiên, đặt vấn đề nồng độ cồn trong rượu bia ở mối tương quan với các chất gây kích thích nguy hại khác như ma túy, cocaine... đến hành vi con người (trong đó có hành vi lái xe) thì rượu lại chưa phải là chất kích thích nguy hiểm nhất. Do đó, nếu chỉ có kiến nghị phạt tù với hành vi vi phạm nồng độ cồn mà không kiến nghị với các chất kích thích nguy hiểm khác là điều chưa công bằng.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Ngô Dương nói: “Xét về lý thuyết, kiến nghị về xử lý đối với lạm dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông mà bỏ qua những chất kích thích mạnh khác dẫn đến mất kiểm soát hành vi thì là một thiếu sót. Thực tế có nhiều chất gây ảo giác, mất kiểm soát như ma túy, hoặc chất gây buồn ngủ được chống chỉ định với lái xe còn đe dọa an toàn giao thông không thua, thậm chí là ở mức độ cao hơn cả say rượu”.

Ông Ngô Dương cũng nên quan điểm không phải những gì nước ngoài có quy định thì nước ta cũng phải có cho bằng được hoặc những gì nước ngoài áp dụng thành công thì chúng ta cũng thành công. “Điều kiện kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa, các giá trị thẩm mỹ khác nhau thì cách thức can thiệp vào một hành vi xấu không nhất thiết phải giống nhau. Đương nhiên kinh nghiệm nước ngoài là nguồn tham khảo rất quý. Giả sử có học tập nước ngoài và muốn đạt hiệu quả như ở nước ngoài thì phải xét đến liệu nhân lực, phương tiện, các điều kiện vật chất khác có liên quan, cơ chế giám sát thực thi của chúng ta có tương đương như họ hay không trước đã. Sử dụng những gì chúng ta đang có một cách tối đa cũng hoàn toàn có thể phát sinh kết quả tốt”, ông Ngô Dương nói.

 Trần Hoài


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang