Phí bôi trơn sổ đỏ: Có nhưng…không ghi không bắt được!

author 13:59 31/10/2014

(VietQ.vn) - Khẳng định chuyện người dân phải nộp “phí bôi trơn” làm sổ đỏ là có thật tuy nhiên lãnh đạo Bộ TN-MT thừa nhận rất khó để phát hiện và xử lý.

Sự kiện: Phí bôi trơn sổ đỏ

Sáng nay, 31/10, trả lời PV Chất lượng Việt Nam về hiện trạng người dân phải nộp “phí bôi trơn” khi đi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhận định: “Từ lâu đây là vấn đề có thật gây bức xúc trong dư luận. Phía cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát, tuy nhiên khi không ghi được, không bắt được nên rất khó xử lý”.

Chưa phát hiện trường hợp cán bộ nhận "phí bôi trơn" khi cấp sổ đỏ (ảnh minh họa)

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, công tác kiểm tra việc cấp sổ đỏ là hoạt động thường xuyên của thanh tra Tổng cục, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... Trong kế hoạch nhiệm vụ  năm 2015, Tổng cục Quản lý Đất đai sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra nội dung trên.

Về hiện tượng nộp “phí bôi trơn” làm sổ đỏ, ông Chính cũng thừa nhận để có chứng cứ rất khó. “ Mặc dù biết có hiện tượng cán bộ lợi dụng sự phức tạp của hệ thống pháp luật, quy trình cấp sổ đỏ để đòi hỏi người dân phải bồi dưỡng cho mình tuy nhiên để phát hiện lại không phải dễ. Khi kiểm tra, người dân cũng không muốn hợp tác hoặc có hợp tác lại không có chứng cứ nên không thể xử lý được”, ông Chính nói.

Theo vị Phó Tổng cục trưởng, qua các đợt thanh tra kiểm tra công vụ, chỉ có thể phát hiện được những vi phạm của cán bộ quản lý đất đai trong trình tự thủ tục làm việc, hồ sơ giấy tờ. Ông Chính cũng khẳng định: “ Từ trước tới nay chưa phát hiện trường hợp cán bộ nào nhận tiền “bôi trơn” làm sổ đỏ. Nếu phát hiện thì đuổi việc ngay!”

Ở khía cạnh khác, ông Đào Trung Chính cho rằng việc thực hiện “dịch vụ” trong cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cũng  là theo nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, về phía người dân khi đi làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhiều trường hợp không cung cấp đúng hồ sơ, khi cán bộ yêu cầu làm lại thì lại quay lại năn nỉ “làm giúp rồi sẽ bồi dưỡng cho!”.

“Đa số chúng ta đều biết giá mua bán đất trong hợp đồng không ai nói thật. Tôi từng chứng kiến trường hợp một hợp đồng mua bán có giá thật là 2,5 tỷ đồng nhưng người dân khi đi khai báo lại chỉ khai 500 triệu đồng để trốn thuế chỉ. Như vậy, rõ ràng cần phải chấn chỉnh từ 2 phía cán bộ lẫn người dân mới có thể khắc phục được tình trạng trên”, ông Chính nói.

Ngoài ra, theo ông Chính, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều coi vấn đề đăng ký cấp sổ đỏ là dịch vụ công. “ Anh làm nhanh, anh được bồi dưỡng nhiều, đồng thời tăng thêm khoản thu cho ngân sách. Tuy nhiên, hiện chúng ta lại chưa có quy định minh bạch về khoản thu trên. Chúng tôi đang nghiên cứu làm sao vận hành hệ thống dịch vụ công cho tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân một cách nhanh nhất.”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, nói.

Trước vấn đề Chủ đầu tư sai phạm cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc cấp sổ đỏ chậm chễ. Vậy sẽ phải xử lý chủ đầu tư như thế nào? Ông Đào Trung Chính cho biết: Chúng ta có quy định Luật Đất đai điều kiện chấp nhận chủ đầu tư được giao đất, cho thuê đất, phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên hiện quy chế xử phạt vi phạm kinh doanh sử dụng nhà ở  cụ thể lại nằm rải rác tại Luật Nhà ở, Luật xây dựng… “Xử lý thì phải có luật chứ không phải bỗng nhiên mà đè người ta ra xử phạt”, ông Chính nói.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang