Phi công nộp đơn xin nghỉ việc: Mỗi tháng, phi công Việt Nam nhận mức lương bao nhiêu?

authorĐỗ Thu Thoan 14:00 03/06/2018

(VietQ.vn) - Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hàng chục phi công Vietnam Airlines nộp đơn xin nghỉ việc vì cho rằng họ đang phải nhận mức lương thấp.

Sự kiện: Thời sự

Dẫn thông tin theo báo Gia đình & Xã hội, thông tin về việc gần 60 phi công của Vietnam Airlines nộp đơn xin nghỉ việc đang làm nóng dư luận. Hiện Bộ GTVT lẫn phía Vietnam Airlines (VNA) vẫn chưa thông tin chính thức về nguyên nhân. Tuy nhiên, theo khẳng định của nhiều phi công, mấu chốt sự việc do môi trường làm việc không đảm bảo, có sự áp bức, chế độ đãi ngộ của các phi công Việt Nam quá thấp so với phi công nước ngoài cùng năng lực.

Đáng lưu ý, bản thân VNA nhiều lần quảng bá về quỹ lương và mức lương của phi công, tiếp viên và các lao động khác khiến dư luận trầm trồ. Một công bố từ Bộ Công thương cho thấy, mức lương của phi công VNA khá cao so với mức thu nhập của nhiều lãnh đạo cao cấp tập đoàn thuộc nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam.

phi-cong-nop-don-xin-nghi-viec-moi-thang-phi-cong-viet-nam-nhan-muc-luong-bao-nhieu

Có nhiều phi công nộp đơn xin nghỉ việc vì mức lương thấp, môi trường làm việc không đảm bảo. Ảnh minh họa/Zing

Nói về mức lương của phi công Việt Nam, dẫn thông tin theo Zing, chia sẻ với báo chí ngày 30/5, lãnh đạo của Vietnam Airlines chia sẻ "lương phi công của các anh 250-300 triệu đồng/tháng. Các anh mà kêu là thấp ấy thì xã hội có nghe các anh không?”.

Vị này cũng khẳng định “riêng hơn 1.000 phi công thì lương của họ đã chiếm đến gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty. Mình có 6.700 người thì hơn 1.000 phi công đã chiếm một nửa rồi, phần còn lại thì chia nhau hơn nửa còn lại”. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng nói phi công mới ra trường (đào tạo về), lương cũng ở mức 70-80 triệu đồng/tháng.

Cũng theo lãnh đạo hãng, mỗi lần tăng lương thì phần cao nhất luôn dành cho các phi công. “Lương phi công đã sẵn cao rồi. Chỉ cần tăng mấy phần trăm là lớn lắm”, vị này nhận định.

Khẳng định trên đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhóm phi công có bức xúc. Nhiều người trong nhóm này nói thu nhập mà họ nhận về chỉ bằng một phần ba so với con số chia sẻ của lãnh đạo hãng.

Nhóm phi công cho rằng khoản thu nhập trên đã bị khai khống 20-25% giá trị thực tế phi công nhận được trước thuế, còn nếu với sau thuế là 40-45% giá trị. Cũng theo nhiều người trong nhóm, con số thu nhập thực tế của họ chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo Zing, nếu so mức lương này với một số nước trong khu vực, có thể thấy, thu nhập của phi công Vietnam Airlines không quá chênh lệch.

phi-cong-nop-don-xin-nghi-viec-moi-thang-phi-cong-viet-nam-nhan-muc-luong-bao-nhieu

Mức lương của phi công Việt Nam không chênh lệch so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa/Vietnamnet

Theo số liệu từ Aerocadet, thu nhập của một phi công thương mại tại Indonesia có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế. Mức trung bình thu nhập của nghề này tại Indonesia là khoảng 6.600 USD/tháng, tương đương khoảng 150 triệu đồng.

Còn tại Singapore, theo số liệu của Phoenix East Aviation, một phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, tương đương khoảng 155 triệu đồng, và tăng dần theo thời gian làm việc.

Tại Ấn Độ, mức thu nhập của phi công Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.

Còn theo FltOps.com, một cơ trưởng có kinh nhiệm tại Mỹ, vận hành máy bay cỡ lớn cho các hãng có tên tuổi thường kiếm được hơn 15.500 USD một tháng, tương đương 350 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy, thu nhập của phi công Vietnam Airlines không quá chênh lệch, trong khi đó, thu nhập trung bình của một người Việt Nam hiện thấp hơn 2-20 lần so với người lao động tại các quốc gia nói trên.

Theo báo Vietnamnet, tháng 5 vừa qua, một nhóm phi công Vietnam Airlines đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung của thông tư 41/2015 và thông tư 21/2017 của Bộ GTVT.

Vì sao hàng chục phi công Vietnam Airline xin nghỉ việc?(VietQ.vn) - Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hàng chục phi công nộp đơn xin nghỉ việc tại Vietnam Airlines.

Theo nhóm phi công, thông tư 41 và thông tư 21 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải chấm dứt hợp đồng. Người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại.

Trong khi đó, Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”.

Hơn nữa, quy định "Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng cho người học trong thời gian đi học…”.

"Dựa vào hai thông tư của Bộ GTVT, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động...”, đơn kiến nghị nêu.

Sau khi nhận đơn kiến nghị của phi công Vietnam Airlines, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ GTVT để giải quyết theo thẩm quyền.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc các phi công xin nghỉ việc là do mức lương Vietnam Airlines trả cho phi công thấp nhất so với 3 hãng hàng không trong nước; ngoài ra đa số phi công trong nước có mức lương thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài được Vietnam Airlines thuê, báo Vietnamnet thông tin.

ĐỗThu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang