Phí tham quan Yên Tử dự kiến 20.000 đồng, mỗi năm Uông Bí thu về 30 tỷ

author 06:24 04/12/2016

(VietQ.vn) - Theo thông báo của tỉnh Quảng Ninh thì rất có thể xuân này du khách đến tham quan Yên Tử sẽ phải mất thêm phí vào. Dự kiến là 20.000 đồng/vé.

Ngày 2/12, UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc thu phí tham quan vãng cảnh tại Khu Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo HĐND, UBND, UB MTTQ thành phố, các ban, ngành đoàn thể thành phố; đại diện Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo Công ty CP Phát triển Tùng Lâm.

Tại hội nghị này hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và tiến hành biểu quyết, nhất trí cao với chủ trương thu phí tham quan vãn cảnh di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử của thành phố Uông Bí.

Xuân này đi Yên Tử, du khách có thể phải mất thêm một khoản tiền. 

Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên Chất lượng Việt Nam, nhiều người dân sống trên địa bàn Uông Bí lại bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương này.

Bởi đại bộ phận người dân đến đây còn nghèo, thu nhập thấp, giờ phải chi phí thêm tiền vé sẽ mất đi sự thoải mái về tâm lý để đến với đất Phật. Mặt khác, muốn quy tụ tâm linh thì phải xuất phát từ sự tự nguyện, nay yêu cầu mua vé thì mới được vào Yên Tử sẽ mang ý nghĩa bắt buộc đối với Phật tử, du khách đến khu danh thắng.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh là một tỉnh “giàu”, nằm trong tốp những tỉnh có nguồn thu từ ngân sách lớn trong cả nước. Trong khi đó, hàng năm, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, từ tiền công đức của khách thập phương tại Yên Tử là rất lớn. Đành rằng khu thắng tích cần được bảo vệ, tôn tạo, các hoạt động quản lý, khai thác, tổ chức lễ hội, sự kiện cần được vận hành trôi chảy, không thể không có kinh phí đầu tư. Nhưng cũng không đến mức phải thu của mỗi người dân đến Yên Tử thêm một khoản phí mua vé tham quan nữa.

Liên quan đến ý kiến thu phí tham quan Yên Tử, chiều 3/12, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã phát đi thông báo, nói rõ thêm về chủ trương này.

Theo đó, trước năm 2007, tỉnh Quảng Ninh đã có quy định thu phí tham quan Yên Tử. Trong thời gian đó, địa phương đã chủ động cân đối nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, duy trì tổ chức, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý; tăng cường quản lý di tích, quản lý rừng đặc dụng (nay là Rừng quốc gia Yên Tử), chất lượng phục vụ, đảm bảo các dịch vụ bảo hiểm đối với du khách thăm quan.

Kể từ năm 2007 đến nay, do tạm dừng thu phí tham quan Yên Tử, Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử thực hiện được nhiệm vụ ở mức tối thiểu. Hàng năm, mọi hoạt động của đơn vị đều do ngân sách Tỉnh và Thành phố Uông Bí chi (từ 5 -7 tỷ đồng), trong đó chủ yếu chi cho tổ chức bộ máy và một phần nhiệm vụ chi thường xuyên. Việc chủ động lập kế hoạch, tham mưu, đề xuất tăng cường quản lý nhà nước về di tích và lễ hội do đó cũng bị hạn chế.

Quảng Ninh: Khởi tố vụ án sai lệch kết quả chất lượng khi bán than (VietQ.vn) - Gần 400 tấn than cám loại 6A đã bị “nhảy” sang một loại than cám khác khi "qua tay" một số cán bộ Công ty than Nam Mẫu

Với mục tiêu đảm bảo các hoạt động thường xuyên về quản lý di tích, quản lý Rừng quốc gia và tổ chức, quản lý lễ hội hằng năm, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước toàn diện tại di tích, chất lượng phục vụ nhân dân, phát huy vai trò chủ động của địa phương trong việc duy tu, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu danh thắng Yên Tử, việc tái thu phí tham quan danh thắng Yên Tử hiện nay là cần thiết, phù hợp với quy định hiện hành, nhất là khi Yên Tử đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Để chuẩn bị phương án thu phí tham quan danh thắng Yên Tử, UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức công khai lấy ý kiến nhân dân, cơ quan, tổ chức liên quan và nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và của nhân dân. Mức phí được đề xuất chỉ bằng khoảng 50% so với các địa phương tỉnh bạn, do đó không làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách về với Yên Tử, đồng thời lại đảm bảo được các dịch vụ bảo hiểm đối với khách tham quan (trong cơ cấu giá vé phí), chủ động thống kê được lượng khách, đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách từ an ninh trật tự, môi trường, hạ tầng giao thông, nước sạch..., từ đó thu hút được nhiều du khách về với Yên Tử. Nguồn kinh phí thu được cũng góp phần thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử, Dự án phát triển tổng thể Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quyết định Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh).

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, mức phí tham quanh danh lam thắng cảnh Yên Tử được đề xuất trên cơ sở tham khảo mức các quy định thu phí tham quan danh lam thắng cảnh hiện nay của Bộ Tài chính (Thông tư số 02/2014/TT-BTC) cũng như thực tế quy định thu phí một số khu danh lam thắng cảnh xếp loại di tích quốc gia đặc biệt cùng đợt với Danh thắng Yên Tử hoặc các danh lam thắng cảnh khác có tính chất tương đồng tại các địa phương khác trong nước như Vườn Quốc gia Cát Tiên (Người lớn: 40.000 đồng/lần/người; Sinh viên, học sinh, trẻ em: 20.000 đồng/lần/người); Hồ Ba Bể (Người lớn: 20.000 đồng/lần/người. Trẻ em dưới 16 tuổi: 10.000 đồng/lần/người); Khu thắng cảnh Hương Sơn - Hà Nội (50.000đ/người/lượt); Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ (10.000đ/người/ lượt); Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (15.000đ/người/lượt).

Trên cơ sở mức phí tối đa tham quan danh thắng Yên Tử được HĐND tỉnh xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra từ ngày 5 đến 7-12 tới đây, UBND tỉnh đề xuất phương án thu phí thực tế áp dụng từ ngày 1-2-2017 là thống nhất chung một mức và mức phí bằng mức thu phí hiện nay đang quy định đối với trẻ em 20.000 đồng/người/lượt (bằng 50% mức phí tối đa đối với người lớn). Việc miễn, giảm phí đối với các đối tượng theo quy định hiện hành.

Theo tính toán từ Sở Tài chính, dự kiến lượng khách thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử trung bình mỗi năm khoảng 1.500.000 lượt người (đã giảm trừ các đối tượng được miễn thu phí thăm quan: 160.000 lượt người, trong đó đối tượng là sư tăng, sư ni, đại biểu Phật giáo 30.000 lượt người).

Như vậy, số tiền phí thu mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng sẽ tạo nguồn kinh phí cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử, cụ thể gồm các nội dung như quản lý, tổ chức lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; phòng chống cháy nổ; cứu hộ cứu nạn; an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường; tuyên truyền quảng bá về Yên Tử; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, hệ thống cung cấp nước sạch (xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nhà máy nước...); chi tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các di tích, công trình hạ tầng cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo nâng cao trình độ và tổ chức bộ máy quản lý...

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang