Phía sau thất bại của ĐTVN ở AFF Cup 2014: 'Bán độ'?!

author 09:48 13/12/2014

Đó chính là nhận xét của nhiều khán giả có mặt trực tiếp tại sân Mỹ Đình tối 11.12 chứng kiến trận thua khó tin của ĐTVN trước Malaysia. Các cầu thủ Việt Nam mắc quá nhiều lỗi trong trận đấu này. Đặc biệt, hàng phòng ngự với những nhân tố như Quế Ngọc Hải, Văn Biển, Tiến Thành, Phước Tứ.

Đội trưởng Tấn Tài không còn cơ hội nâng cao chiếc cúp vô địch AFF?

Trên cộng đồng mạng, nhiều người cũng nghi ngờ về khả năng một số cầu thủ Việt Nam “làm độ” trận đấu. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết: “Sẽ nhờ cơ quan điều tra làm rõ trận thua bất thường này”.

Bình thường hay bất thường

Cả vòng bảng, ĐTVN chỉ để thua 3 bàn, thêm một bàn ở trận lượt đi bán kết (tình huống chạm tay không rõ ràng dẫn đến quả penalty), tổng cộng, hàng thủ tuyển Việt Nam chỉ để thủng 4 bàn. Thế nhưng, ở trận lượt về, cũng chỉ mất chưa đầy 45 phút, hàng thủ Việt Nam để thủng đúng 4 bàn, từ những tình huống để thua “ngớ ngẩn”, với những sai lầm cá nhân. Những bàn thua này chỉ là những bàn thua theo tình huống hay từ kịch bản từ trước? Hãy xem lại một chút các tình huống ấy.

Bàn thua ở phút thứ 2: Văn Biển phá bóng đúng chân đối phương, bóng đến chân Putra, Quế Ngọc Hải phạm lỗi. Nghi vấn ở chỗ người ta không thấy bóng dáng các trung vệ Tiến Thành - Phước Tứ đâu. Bàn thua thứ hai lại vẫn sai lầm giữa Văn Biển và thủ môn Nguyên Mạnh. Bàn thua thứ ba bị nghi vấn “nặng hơn cả”, từ quả phạt góc, không hiểu sao có ít nhất 3 cầu thủ bỗng nhiên… chạy ngược lên để cầu thủ Malaysia ghi bàn dễ dàng. Bàn thứ tư, tiếp tục một sai lầm khi Tiến Thành tự đưa bóng vào lưới nhà sau quả tạt của Putra.

Đó là những tình huống mà Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau đó bình luận rằng: “Không thể hiểu nổi. Chỉ cách nhau mấy ngày, ĐTVN từ thiên nga hóa thành vịt…”. Thậm chí, hai nhân vật ông Dũng chỉ thẳng ra là “có vấn đề” gồm hậu vệ Văn Biển và trung vệ Lê Phước Tứ. Văn Biển - cầu thủ kỳ cựu nhưng mắc sai lầm sơ đẳng. Nhưng tại sao lại có tên Phước Tứ khi cầu thủ này gần như “hoàn toàn vắng bóng” trong những bàn thua của ĐTVN. Một cầu thủ xin giấu tên nói: “Trong bóng đá, ở vị trí chốt chặn trước cầu môn, chỉ một hai bước chân lên hay xuống đã có thể tạo cơ hội cho đội bạn. Thế nhưng nếu xét tình huống, các cầu thủ “bán” thì hơi võ đoán. Bây giờ, cầu thủ “bán” theo thế trận, chứ không “ngu” tới mức bán tình huống. Bán thế trận chính là kiểu bán tổng tỉ số tài- xỉu, đó là kiểu bán của nhóm cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai ở V.League. Thế nên không cứ phải tham gia trực tiếp vào tình huống mới gọi là bán”.

Trước trận đấu, thông tin trên các trang web cá độ ra kèo Việt Nam chấp Malaysia nửa trái. Một khán giả xem trận đấu ở Mỹ Đình tỏ ra hiểu biết: “Nhiều người sẽ “dồn” đánh cửa Việt Nam bởi ở giao hữu và cả trận lượt đi, Malaysia cho thấy không có “vẹo” gì. Thắng hay thua đều do các cầu thủ Việt Nam quyết định”.

Tuy nhiên, hôm qua, cầu thủ Thành Lương chia sẻ trên trang cá nhân rằng, không có chuyện bán độ. Anh viết: “Nói về lý, nếu bán độ, liệu các cầu thủ có được nhiều tiền? Và ai là người mua độ? Trong khi công an lúc nào cũng đi theo đội tuyển với con mắt nghiệp vụ tinh tường. 

Trong khi nếu thắng, được sống trong cảm giác hạnh phúc, sự tung hô của nhiều người, và cũng có tiền, đó là thực tế. Nói về tình. Bóng đá là cái nghiệp và niềm đam mê của họ. Họ thi đấu dưới sân. Vì hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam. Chiến đấu vì màu cờ sắc áo như những người lính. Chiến đấu vì gia đình, con cái họ. Ai cũng muốn chinh phục những danh hiệu, ai cũng muốn chiến thắng những giải đấu quan trọng thế này. Nhưng ĐT Brazil đôi khi còn thua đau. Nên đừng bắt chúng ta bất khả chiến bại. Họ cũng muốn chiến thắng và khao khát hơn bất kỳ ai. 

Tôi khẳng định, chúng tôi không ngại nắng nôi mưa gió luyện tập vất vả, không ngại những chấn thương rình rập. Không ngại những va chạm đổ máu trên sân. Kiếm được đồng tiền từ nghề này, không chỉ đổ mồ hôi mà còn phải đổ cả máu. Bán độ là phản bội tổ quốc. Tổ quốc cho chúng tôi cuộc sống ấm no, tổ quốc cho chúng tôi niềm vui được chơi bóng. Nên xin đừng chụp mũ và làm những người lính dũng cảm trở thành kẻ tội đồ…”

CA vào cuộc hay “đá quả bóng trách nhiệm”?

Không phải khi đến trận thua này, VFF mới “mời công an vào cuộc”. Trước đó chính lãnh đạo VFF cũng tuyên bố, sẽ có lực lượng an ninh “ngầm” theo sát đội tuyển trong quá trình AFF Cup.

Trong bóng đá, thắng-thua là chuyện bình thường. Việc thẩm định, điều tra thuộc ban chuyên môn của VFF và cơ quan an ninh. Song cái cách lãnh đạo VFF nhanh nhảu tuyên bố “mời công an vào cuộc” cho thấy chính lãnh đạo VFF đã không có lòng tin đối với những cầu thủ của mình.

Đáng nói, chỉ cách trận lượt về bán kết không lâu, chính những lãnh đạo VFF là những người đầu tiên hồ hởi với chiến tích của các cầu thủ. Thậm chí, họ đã quyết định thưởng tới 3 tỉ đồng (1 tỉ sau khi đội qua vòng bảng, 2 tỉ sau khi thắng trận lượt đi), bầu Hiển thưởng thêm 1 tỉ.

Bởi vậy có thể nói, nếu các cầu thủ đã “thay đổi chóng mặt” về lối chơi ở hai trận đấu thì thái độ của những quan chức VFF cũng thay đổi một cách ngạc nhiên: Từ chỗ hồ hởi ăn theo, thưởng tiền - ngay lập tức quay sang nghi ngờ cầu thủ bán độ. Nghệ sĩ Chí Trung cho rằng: Tôi không thích cách Chủ tịch Lê Hùng Dũng mời công an vào cuộc. Có cảm giác như “quả bóng trách nhiệm” bị đẩy đi quá sớm. Tôi cũng không vui khi cổ động viên bóng đá nước nhà cứ thất bại là quay lưng chửi cầu thủ bán độ. Nhưng tôi không đổ tội cho các “tình yêu của chúng ta” đã bán rẻ lương tâm. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp có trong mỗi con người”.

Nếu theo dõi đội tuyển có thể thấy ngay, cứ thua trận, lãnh đạo VFF “đổ” ngay cho cầu thủ. Sau thất bại ở SEA Games 2009, ông Lê Hùng Dũng bật mí: “Trận CK SEA Games 2009 cũng có quá nhiều biểu hiện lạ thường trên sân cỏ… cách thua của U.23 VN trong trận chung kết quá khó hiểu. Chỉ tiếc, chúng ta không có bằng chứng mà thôi”. Hay năm 2012, khi ĐTVN thua ở vòng bảng, ông Dũng cũng nói: “Một số cầu thủ trụ cột không có động lực thi đấu. Đội tuyển đá 3 trận nhưng chỉ có trận gặp Thái Lan xem được, hai trận còn lại không thể chấp nhận. Chúng tôi không muốn nêu tên người đó ở đây, nhưng ai xem lại băng ghi hình có thể nhận thấy điều này… Sắp tới, đội tuyển không gọi ai thì chúng ta sẽ biết người đó”. Nhiều người cho rằng, cầu thủ mà ông Dũng nhắc tới là Lê Công Vinh. Tuy nhiên sau này, Công Vinh vẫn lên tuyển.

Bây giờ lại là câu chuyện “nhắm bắn vào đội tuyển”. Có nhiều cách thua, đến chủ nhà Brazil cũng thua tới 1-7 ngay sân nhà ở World Cup 2014. Việc điều tra làm rõ rằng “trận đấu có hiện tượng bán độ” hay không, cần làm rõ với sự tham gia của cơ quan điều tra. Đó là việc cần làm, chứ không phải cách hùa theo sự giận dữ của dư luận để lái sự giận dữ ấy về phía các cầu thủ, trong khi VFF cũng cần phải nhận trách nhiệm về thất bại của đội tuyển.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Cơ quan chức năng không nhất thiết là công an

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết, từ đêm sau trận thua của ĐTVN trước Malaysia, ông mệt mỏi vì liên tục bị đặt “những câu câu hỏi giống nhau về trận thua đáng ngờ” của ĐTVN.

- Và VFF đã đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc điều tra? Một số tuyển thủ và không ít người đã phản ứng về việc này.

- Chính xác là chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, giúp liên đoàn điều tra, làm rõ nguyên nhân thất bại của ĐTVN. Tại sao trận trước đá hay thế mà trận này đá dở? Cơ quan chức năng ở đây có thể là cơ quan chuyên môn như TC TDTT chứ không nhất thiết là công an. Có một số suy luận của báo chí không đúng lắm về việc này.

Theo Lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang