Điểm lại những bộ phim Tết ‘kinh điển’ nhất trên sóng truyền hình

authorHòa Lê 17:04 06/02/2016

(VietQ.vn) - Ra đời cách đây cả thập kỷ nhưng “Tết này ai đến xông nhà”, “Hoa đào ngày Tết”,... vẫn mang lại dư vị ngọt ngào, ấm áp của ngày Tết cổ truyền.

Sự kiện:

Những bộ phim Tết cách đây đã hàng chục năm thường hướng tới việc khẳng định giá trị nền tảng của gia đình, truyền thống - dịp để mọi người thuộc mọi địa vị, mọi nghề nghiệp, lứa tuổi… bỏ qua những định kiến và rào cản xã hội để đến gần nhau hơn. Ở đó, người xem có thể tìm lại những nét đẹp cổ truyền đã mai một, đồng thời hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị thực sự của ngày Tết Nguyên đán. 

Nổi tiếng nhất và được khán giả nhớ nhất có lẽ là “Tết này ai đến xông nhà”, một bộ phim hài nhẹ nhàng và ý nghĩa. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về chàng kỹ sư tên Thi (Quốc Khánh thủ vai). Thi đã gần 40 tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ. Thi luôn ao ước, tìm kiếm một người đẹp trong mộng để làm hôn thê. 

Phim Tết ‘kinh điển’ nhất trên sóng truyền hìnhBộ phim Tết nổi tiếng nhất và được khán giả nhớ nhất có lẽ là “Tết này ai đến xông nhà”

Mặc dù có rất nhiều người để chọn lựa, đến nỗi năm nào bố mẹ anh cũng chuẩn bị 13 bó hoa nhân ngày 8/3 để anh đi tặng các cô bạn gái nhưng Thi vẫn không thể tìm được người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của mình. Bộ phim được đạo diễn Trần Lực xây dựng với nhiều tình huống bất ngờ, tạo ra được tiếng cười vui tươi cho khán giả trong dịp năm mới.

Chung cảnh ngộ với anh Thi của “Tết này ai đến xông nhà”, anh Hải trong “Hoa đào ngày Tết” (Đức Khuê thủ vai) cũng đau đầu khi năm hết Tết đến mà chuyện vợ con vẫn còn dang dở chỉ vì mải mê công việc. Để làm yên lòng cha mẹ, Hải đã thuê Thảo – cô gái bán hoa sống cùng khu tập thể (Thùy Dương thủ vai) giả làm bạn gái anh để về ra mắt gia đình.

Đóng vai một cô gái Thủ đô xinh đẹp lại nhẹ nhàng, lễ phép, tình cảm, Thảo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của gia đình và họ hàng nhà Hải. Sống trong không khí ấm cúng của làng quê Việt Nam ngày Tết và sự yêu thương chân thành của bố mẹ Hải, tâm hồn cô gái làng chơi bỗng dưng xao động. Thảo dần nhận ra sự đáng quý của những điều giản dị mà cô đã quên đi khi lao theo vòng quay hối hả của cuộc sống.

Phim Tết ‘kinh điển’ nhất trên sóng truyền hình"Hoa đào ngày Tết" là 1 trong những bộ phim Tết "hút" khách nhất

Trong cô nhen lên một tình cảm đặc biệt dành cho Hải, cho gia đình Hải, cùng với đó là khát vọng hoàn lương. Thế nhưng, Thảo nhanh chóng bị kéo về thực tại khi cô chứng kiến cảnh một cô gái trong làng lầm lỡ đi theo nghề “buôn phấn bán hương” phải tự tử vì không chịu nổi ánh mắt khinh miệt của người đời. Sau mọi chuyện, Hải vẫn thể hiện rằng anh luôn yêu quý và trân trọng Thảo, nhưng cô đã quyết định bí mật bỏ đi và chỉ để lại một bức thư giã biệt khiến Hải không khỏi buồn bã.

Dù đoạn kết khiến không ít khán giả nuối tiếc khi hai nhân vật chính không đến được với nhau, nhưng những giá trị tình cảm trong trẻo mà bộ phim để lại cũng đã đủ khiến khán giả cảm thấy ấm áp và hài lòng.

Tuy ra đời cách đây đã khá lâu, nhưng bộ phim “Chuyện xảy ra trước Tết” vẫn luôn có 1 sức hút đặc biệt với khán giả. Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ Hoàng ở thôn Hạ. Vào dịp cuối năm, ông Kiếm nảy sinh âm mưu chiếm nhà thờ tổ và đất của cụ Tự, bác ruột của Kiếm.

Phim Tết ‘kinh điển’ nhất trên sóng truyền hình"Chuyện xảy ra trước Tết" là bài học sâu sắc về tình cảm gia đình và giá trị cuộc sống

Để đạt mục đích ấy, ông Kiếm tổ chức lễ thượng thọ cho cụ Tự thật linh đình. Tiếp đến, ông Kiếm tìm cách loại bỏ ý định ở rể của Chiến, cháu rể tương lai cụ Tự. Cuối cùng để chắc chắn, ông Kiếm cùng em trai ruột là ông Đạo định nhờ người viết di chúc giả nhưng không thành. Đến với “Chuyện xảy ra trước Tết”, khán giả sẽ được sống trong không khí làng quê dịp giáp Tết, đến với phong tục mừng thọ cho người cao tuổi, với tục gói bánh chưng, với những tình cảm đôn hậu, đơn giản nhưng đầy tình nghĩa.

Khán giả cũng sẽ có những phút giây thư giãn với tiếng cười sảng khoái khi xem câu chuyện tình của Bảo hay “cười ra nước mắt” với hình ảnh cụ Tự ngồi co ro vì rét trên chiếc kiệu rước thọ quanh làng. Và đoạn kết với hình ảnh cả gia đình ông Kiếm quây quần bên nhau trong mâm cơm, khi tất cả tình yêu thương đều chân thành nhất, khán giả sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, ấm áp của tình cảm gia đình trong khoảnh khắc giao thừa.

Ra đời cách đây cả chục năm, nhưng những bộ phim Tết xưa vẫn không thua kém bất cứ một chương trình giải trí hiện đại nào. Ở đó, người xem có thể tìm lại những nét đẹp cổ truyền đã mai một, đồng thời hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị thực sự của ngày Tết Nguyên đán.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang