Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư 'vạch' lý do vì sao Hà Nội chưa dẫn đầu về chỉ số PCI

author 20:04 04/04/2019

(VietQ.vn) - "Những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng giữ trong top cao chỉ số về vấn đề đào tạo, hỗ trợ thị trường cũng như thông tin minh bạch trong quản lý và quy hoạch", ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.Hà Nội chia sẻ.

Hà Nội lần đầu tiên lọt top 10 về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) - đó là điều đáng mừng, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi. Phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội về vấn đề trên.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội. Ảnh: N.X.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ những nỗ lực của Hà Nội trong thời gian qua để có thể lần đầu tiên lọt top 10 về Chỉ số PCI?

Đây là điều rất đáng mừng của Hà Nội từ kết quả nỗ lực mấy năm vừa qua, đặc biệt là năm 2018 để được lọt top 10 về Chỉ số PCI.

Chúng tôi đã trao đổi, báo cáo nhiều lần trong các chương trình cũng như với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về việc làm sao để nâng cao chỉ số PCI trong từng năm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, TP.Hà Nội đã có chương trình riêng dành cho nâng cao Chỉ số PCI, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đứng trong top 10, nghĩa là đã vượt chỉ tiêu khoảng 2 năm.

Vậy, ông có thể chỉ ra những khó khăn khiến Hà Nội chưa thể vươn lên dẫn đầu về Chỉ số PCI và ông kì vọng chỉ số nào sẽ tăng trưởng trong những năm tới?

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa công bố, Quảng Ninh dẫn đầu với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Còn lại, hầu như ở mức trung bình trên 63 điểm, riêng Hà Nội là 64,5 điểm để có thể nói lên rằng dư địa cho phát triển đối với từng chỉ số là rất cao. Tôi nghĩ không chỉ riêng Hà Nội mà với tất cả các tỉnh khác đây là một thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Như chúng ta đã biết, từ chỉ số gia nhập thị trường cho đến chỉ số về thiết chế pháp lý, lọc nhanh lại cho thấy Hà Nội đã có 6 chỉ số tăng so với năm 2017. Ví dụ chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số minh bạch trong vấn đề thông tin cũng như cải cách hành chính, tính năng động của chính quyền và cải cách thiết chế pháp lý... Riêng chỉ số gia nhập thị trường được coi là chỉ số tương đối tổng hợp, và Hà Nội đã có một chương trình riêng cho chỉ số này.

Trong những năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng giữ trong top cao chỉ số về vấn đề đào tạo, hỗ trợ thị trường cũng như thông tin minh bạch trong vấn đề quản lý và quy hoạch. Ngoài những chỉ số như trên, việc điều hành của chính quyền cũng như sự nỗ lực cải cách hành chính của các cơ quan, doanh nghiệp sẽ là một trong những nỗ lực của Hà Nội thời gian tới.  

Thưa ông, đối với Chỉ số cạnh tranh bình đẳng thì Hà Nội cũng như nhiều tỉnh khác đang ở mức thấp, ông nhận định như thế nào về vấn đề này và việc cải thiện nó sẽ từ đâu?

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng tương đối thấp, Hà Nội cũng không ngoại lệ. Tôi nghĩ rằng, lọc ra từng chỉ số mạnh để tiếp tục phát huy còn những chỉ số thấp phải có những chương trình ưu tiên nhất để nâng cao.

Đầu năm 2019, chúng tôi đã có cuộc họp với các Sở, ban, ngành; các nhà tư vấn cũng như cơ quan liên quan đến chỉ số để đưa ra những chương trình sàng lọc cụ thể, sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, chúng tôi đã có kế hoạch tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 6/2019 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội sẽ ra đời, đề án này ‘tuy khó nhưng hay’ và hi vọng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới.

Không nên trói buộc ĐKKD không phổ biến theo kiểu ‘một người bị bệnh bắt cả làng mua thuốc’(VietQ.vn) - Nếu không phải điều kiện kinh doanh phổ biến thì không nên quy định thành những trói buộc pháp luật theo kiểu “một người bị bệnh bắt cả làng mua thuốc”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.

Ngọc Xen

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang