Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảnh báo 'cuộc chơi' của doanh nghiệp trong AEC

author 23:29 03/01/2016

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề cập tới những cơ hội và cả thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt là khi AEC đã hình thành.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" về những cơ hội và thách thức đối với người dân, doanh nghiệp sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành; những vấn đề nảy sinh cũng như các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Thưa Phó Thủ tướng, Cộng đồng ASEAN đã chính thức thành lập, Việt Nam sẽ có cơ hội và phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Thuận lợi lớn nhất của Cộng đồng ASEAN là tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho 10 nước thành viên.

Về kinh tế, Cộng đồng ASEAN tạo ra môi trường hay một khu vực kinh tế, thương mại, cơ sở sản xuất chung rộng lớn.

Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý hơn nhờ hàng hóa lưu thông tự do với việc gỡ bỏ thuế quan gần như hoàn toàn trong Cộng đồng, các dòng thuế quan giảm còn 0-5%.

Bên cạnh đó là các thủ tục tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, ví dụ: Hài hòa hóa về hải quan; tạo cơ sở đánh giá chung về chất lượng sản phẩm thông quan cùng cơ chế tự động chứng nhận xuất xứ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ trong chương trình Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phân tích những cơ hội và thách thức đối với người dân, doanh nghiệp sau khi AEC đã chính thức hình thành

Theo cam kết của các nước ASEAN, người lao động có tay nghề sẽ được tự do di chuyển, tạo ra cơ hội việc làm mới. Về y tế, giáo dục, người dân có cơ hội hưởng thụ ở tiêu chuẩn cao hơn, từ đó, có thể cảm nhận được lợi ích thiết thực, cụ thể do Cộng đồng ASEAN mang lại.

Tất nhiên, bên cạnh cơ hội thì thách thức cũng rất nhiều. Ví dụ, những lao động có tay nghề cao của Việt Nam có thêm cơ hội đi làm việc tại các nước ASEAN khác, đồng thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Việt Nam cũng có thể tuyển dụng lao động có tay nghề cao từ các nước ASEAN khác. Điều đó sẽ tác động đến vấn đề công ăn, việc làm của người dân.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng như thế nào để đón nhận những cơ hội và cả thách thức?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN từ rất sớm.

Chúng ta gia nhập ASEAN năm 1995, và đến năm 1998 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ do một Phó Thủ tướng đứng đầu để bắt đầu triển khai quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam hiện nay là một trong những nước đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN. Điều đó nói lên quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tham gia xây dựng Cộng đồng.

Nhưng vấn đề rất lớn hiện nay là sự nhận thức về Cộng đồng ASEAN trong người dân, trong doanh nghiệp của chúng ta không phải là ở tốp đầu.

Theo số liệu thống kê mới nhất, 63% doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi cho rằng mình không bị tác động khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập. Phó Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đó là con số rất đáng lo ngại bởi vì Cộng đồng ASEAN mang lại những lợi ích, cơ hội rất cụ thể.

Nếu doanh nghiệp của các nước ASEAN tận dụng được những cơ hội đó thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp chúng ta không những không mở rộng được sản xuất, không mở rộng thị trường ra các nước trong Cộng đồng ASEAN, mà sẽ gặp thách thức ngay trên “sân nhà”.

Thưa Phó Thủ tướng, hội nhập tạo ra rất nhiều cơ hội về giao thương nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh những vụ việc liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Xin hỏi Phó Thủ tướng, năm qua ngành ngoại giao đã làm những gì để công tác bảo hộ công dân được tốt hơn?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong năm 2015, để tăng cường công tác bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao đã thiết lập đường dây nóng 24/24h, 7 ngày trong tuần và có thể nói là 365 ngày trong năm, để liên lạc với các công dân khi gặp sự cố, vụ việc nguy hiểm bên ngoài.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng được yêu cầu trực 24/24h.

Trong năm 2015, chúng ta đã tiếp nhận 6.700 cuộc gọi như vậy, đáp ứng rất tốt yêu cầu về bảo hộ công dân Việt Nam.

Trong năm 2015, Bộ Ngoại giao đã bảo hộ cho 2.655 công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với hoạt động bảo hộ ngư dân Việt Nam, chúng ta đã hỗ trợ 200 tàu và 1.471 ngư dân bị bắt do có thể vi phạm luật lệ, vi phạm khu vực đánh cá ở một số nước ở Đông Nam Á. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ đưa ngư dân về nước, thậm chí giải quyết cho những trường hợp ngư dân ở khu vực rất xa như Micronesia. Bất cứ công dân Việt Nam nào có yêu cầu bảo hộ thì các cơ quan đại diện đều cử người, cử cán bộ đến để hỗ trợ và giải quyết.

Thưa Phó Thủ tướng, năm 2015 được gọi là năm hội nhập khi mà chúng ta bắt đầu thực hiện hoặc ký kết xong nhiều hiệp định hợp tác song phương và đa phương. Xin Phó Thủ tướng đánh giá về sự hỗ trợ của công tác đối ngoại cho người dân và doanh nghiệp hội nhập trong năm vừa qua?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Ngoại giao kinh tế là một trong ba trụ cột của ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa.

Ngành ngoại giao luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, với các địa phương trong việc mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với đối tác ở các nước thông qua nhiều diễn đàn về đầu tư, thúc đẩy thương mại. Đơn cử như hỗ trợ Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có những nước ở châu Phi; hoặc mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam…

Năm 2016, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục hoạt động hỗ trợ hội nhập như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trước tiên chúng ta phải tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị để tạo cơ sở, tiền để để phát triển kinh tế, thương mại, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài; tích cực vận động nguồn vốn ODA cho Việt Nam; thúc đẩy các nước mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Thứ ba là tăng cường để tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN.

Xin cám ơn Phó Thủ tướng!

Hồng Anh (ghi)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang