Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đối phó với hai áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

author 05:22 17/07/2018

(VietQ.vn) - Theo đó, tại biển Đông đang xuất hiện hai áp thấp nhiệt đới, một áp thấp nhiệt đới đang đi vào bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh, một áp thấp đã đi vào biển Đông.

Chiều 16/7, tại trụ sở Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành liên quan, để đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá, năm nay thời tiết, thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường. Tình hình đó đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân, Nhà nước; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đối phó với hai áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

 Phó Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh Hiếu.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai; sau Hội nghị, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 giao các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp toàn diện cho công tác phòng, chống thiên tai. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi.

Tuy nhiên công tác phòng chống thiên tai trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính quyền, người dân ở một số vùng, địa phương có tư tưởng chủ quan với công tác phòng chống thiên tai, chỉ khi xảy ra sự cố thiên tai mới tập trung ứng phó.

Công tác dự báo thiên tai, lũ bão trong thời gian qua đã được thực hiện tốt hơn, nhưng một số vấn đề cần dự báo vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu như: Dự báo khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... gây khó khăn trong công tác ứng phó với thiên tai.

Hệ thống công trình phòng chống thiên tai như hồ đập, đê sông, đê biển... vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Nhiều hệ thống đê còn nhỏ, thiếu cao trình chống lũ; phần lớn đê biển mới chống được bão cấp 10, trong khi các cơn bão lớn diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu... Đặc biệt nhiều vị trí đê điều, hồ chứa bị sự cố, xung yếu nhưng chưa đủ nguồn lực để khắc phục nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (244 km đê có nguy cơ bị tràn, 750 km đê có nguy cơ bị sự cố, 700 hồ chứa hư hỏng, xung yếu…)

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện chức năng được phân công về công tác phòng chống thiên tai.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo năm nay mưa sẽ rất lớn; có khả năng xảy ra lũ lớn. Hiện đang bước vào mùa mưa bão và cao điểm sẽ vào tháng 7-8.

Do đó, trong thời gian trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân; bảo vệ an toàn các công trình hạ tầng, giao thông, nhà ở cho người dân; bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để làm được việc này, Phó Thủ tướng đề nghị ban, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai Nghị quyết 76/NQ-CP năm 2018 về công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trước mắt, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang vào nước ta để có biện pháp ứng phó kịp thời; lên phương án bảo vệ các phương tiện hoạt động trên biển; sơ tán người dân khỏi những vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét...; bên cạnh đó tiếp tục khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh phía bắc.

Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phải phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra tất cả các địa phương, chú ý các địa phương dễ xảy ra thiên tai lớn, dễ có thiệt hại.

Trong đó, tập trung kiểm tra các phương án phòng chống thiên tai của các địa phương; kiểm tra các phương tiện tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra công tác an toàn hồ đập, nhất là những đập thủy điện yếu, đã xây dựng lâu năm. Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa; kiểm tra công tác phân lũ, đặc biệt ở các dòng sông lớn, chú ý bảo đảm an toàn cho các vùng hạ lưu. Kiểm tra công tác bảo vệ đê điều, chống sạt lở đất ở bờ sông, bờ biển, kiểm tra các tuyến đê yếu; kiểm tra công tác bảo vệ các công trình hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, đường giao thông, trụ sở, bệnh viện, trường học và nhà cửa của người dân...

Nhấn mạnh công tác bảo đảm an toàn cho người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là người dân vùng dễ xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, Phó Thủ tướng yêu cầu các đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra các phương án về ứng phó với thiên tai của chính quyền địa phương, phương án sơ tán người dân tại các vùng có nguy cơ thiệt hại...

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc Bộ Tài chính xem xét, thực hiện bố trí kinh phí kịp thời để xử lý cấp bách các công trình đê điều, hồ chứa bị sự cố trong bão, mưa lũ năm 2017; bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách 2018 để hỗ trợ các tỉnh miền núi phía bắc bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-26/6/2018; bố trí kinh phí xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai cấp quốc gia; hoàn thành trong năm 2020.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 16/7, một áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (50 km/giờ) đang cách bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 100-130 km. Dự báo chiều nay, áp thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh.

Cơn áp thấp nhiệt đới thứ hai đang ở gần đảo Luzon (Philippines), sau đó sẽ vượt qua đảo Hải Nam, đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang