Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tiếp tục khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội

author 16:51 03/01/2020

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục khơi dậy sự sáng tạo trong toàn xã hội. Không chỉ là những đề tài nghiên cứu, sáng chế mà kể cả những sáng kiến trong quản lý xã hội trong thường nhật.

KH&CN đóng góp thực chất cho phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã vui mừng thông báo Hội nghị chính phủ với địa phương vừa qua với sự hiện diện của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành đã thành công tốt đẹp.

Tại Hội nghị này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều thống nhất rằng, năm 2019 là năm thứ hai liên tục Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Chúng ta không chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao (7%) mà các chỉ số xếp hạng của Việt Nam cũng đều được cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Trong đó, đặc biệt là các chỉ số liên quan tới khoa học và công nghệ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các con con số như công bố khoa học trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới của Việt Nam năm qua tăng 26,4% so với 2018. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, chất lượng tăng trưởng trong đó có đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trên 46,11%.

“Những con số đó cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của khoa học và công nghệ vào trong thành tựu chung của phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thay mặt Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương và xin chúc mừng, cảm ơn các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học quốc tế - những người đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Xin được cảm ơn tất cả các tổ chức, các quốc gia bè bạn, các ngành các cấp trong đó có các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh. Tất cả chúng ta đã rất nỗ lực trong năm 2019 vừa qua”, Phó thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; của Thủ tướng Chính phủ và cũng là tinh thần nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay. Đó là trong mọi thời kỳ, đặc biệt trong thời kỳ này chúng ta phải đặc biệt coi trọng khoa học và công nghệ.

“Vấn đề là bây giờ chúng ta phải biến chủ trương, đường lối xuyên suốt ấy thành hành động cụ thể. Đó là các chính sách cụ thể, các công trình nghiên cứu, ứng dụng cụ thể. Phải làm sao có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành chứ không chỉ ngành khoa học”, Phó Thủ tướng nhận định và cho rằng, khoa học công nghệ bây giờ không chỉ nằm ở Viện Hàn lâm KH&CN mà còn nằm ở người dân, người lao động, nằm ở cả cộng đồng. Trong nhân lực cho ngành khoa học công nghệ cũng không chỉ hạn chế ở đội ngũ giáo sư, tiến sĩ mà còn có ngay trong các trường nghề, công nhân. Tất cả phải có ý thức rằng chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, đổi mới hệ thống sáng tạo của quốc gia. Chúng ta phải nỗ lực biến tự ti thành tự tin và nỗ lực quyết tâm

“Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn thấp, nếu không tăng trưởng nhanh hơn, nếu không đạt được mức tăng trưởng ở ngưỡng 8% trong 20 năm tới đây thì chúng ta không thành nước có thu nhập cao được. Đây là một thách thức rất lớn nhưng lại là thách thức trực tiếp cần tới vai trò của khoa học và công nghệ", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ số công bố quốc tế năm vừa rồi tăng trên 26%, nhưng chưa ăn thua gì so với quốc tế vì chỉ nhìn sang ASEAN thôi tính từ năm 2015 thì chúng ta đã có 36.700 công bố quốc tế, chỉ bằng 23% so với Malaysia và bằng 45% so với Thái Lan. Số cán bộ nghiên cứu, cán bộ khoa học trên số người của chúng ta từ năm 2013 đến nay hầu như không tăng, vẫn ở mức trên 7%. Mức này chỉ bằng 20% mức trung bình của EU, bằng 7,6% so với Hàn Quốc, 28,9 % so với Malaysia, 58% so với Thái Lan.

"Chi ngân sách cho khoa học và công nghệ theo Luật là 2% nhưng thực chi mới 1,8 %. Nếu tính tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học so với chi của doanh nghiệp cho khoa học thì 5 năm trước tỷ lệ ấy là 70%-30%, giờ là 48%-52%. Tính ra như vậy chi cho khoa học và công nghệ mới chỉ bằng 0,9% GDP. So với các nước quá thấp”, Phó Thủ tướng trăn trở.

Những giải pháp chủ yếu

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, để khoa học và công nghệ phát huy tiềm năng, đóng góp tốt hơn vào thành tựu chung của kinh tế-xã hội Việt Nam, cần phải có hành động và chính sách cụ thể để đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo đúng xu thế quốc tế và doanh nghiệp phải là trung tâm. Muốn doanh nghiệp là trung tâm thì cần có sự vào cuộc đồng bộ, các bộ khác phải song hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Phải có giải pháp, cơ chế về kinh tế một cách thiết thực để các doanh nghiệp không chỉ thấy lợi ích trước mắt mà còn thấy cả lợi ích lâu dài, không chỉ lợi ích gián tiếp mà còn là lợi ích trực tiếp khi đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ cũng như đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Bấy lâu nay chúng ta chỉ biết kêu gọi, chỉ có doanh nghiệp nào có tiềm lực rồi thì bắt đầu mới nhận được những lợi ích lâu dài mới đầu tư, còn những doanh nghiệp mà chưa có tiềm lực mạnh, chưa có tích lũy nhiều thì không được khuyến khích bằng những chính sách kinh tế trực tiếp để đầu tư ngay cho khoa học và công nghệ.

Chúng ta tăng công bố như vậy bởi vì chính là nhờ các trường đại học. Hồi năm 2016 thì số công bố các trường đại học bằng 54% trong tổng số công bố quốc tế, tức là các viện nghiên cứu còn 46%. Năm nay, báo cáo cho thấy công bố các trường đai học chiếm hơn 85%. Do đó, vai trò của các trường khoa học thì chúng ta cần đẩy mạnh lên. Chúng ta phải làm sao để các doanh nghiệp cũng phải đầu tư để thành lập các cái viện và chúng ta cùng chung nhau các nhiệm vụ khoa học. Phía Nhà nước thì ngoài định hướng, ngoài chiến lược, ngoài việc chi ngân sách thì cũng cần đổi mới và quản lý chi ngân sách tốt hơn.

Chúng ta phải tổ chức chi ngân sách chặt chẽ để không thất thoát nhưng một mặt cũng phải tôn trọng các nhà khoa học và phải tin vào khoa học, đặc biệt là phải chấp nhận tính rủi ro của khoa học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương lao động hạng nhất cho nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (bìa phải) và Huân chương lao động hạng ba cho Thứ trưởng Phạm Công Tạc 

Hai là, khi điểm lại các công bố quốc tế của chúng ta chủ yếu thường xuất hiện ở các ngành kỹ thuật như máy tính, vật lý. Còn các công bố thuộc các ngành khoa học quản lý, khoa học xã hội còn rất ít. 

Ba là, chúng ta phải có nhiều giải pháp mạnh hơn nữa để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần phải tăng cường kết nối, tăng cường hỗ trợ để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để họ có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường. Cần tham khảo kinh nghiệm của bè bạn quốc tế để đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa. 

Thứ tư là, chúng ta phải minh bạch tất cả mọi đề tài, mọi công trình của tất cả các cấp các ngành. Chỉ có minh bạch mới giúp chúng ta tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo nên tính chân thực cho khoa học. Làm như vậy cũng là để tôn vinh được ý kiến chuyên gia, những hội đồng khoa học chân chính. 

Năm là, phải tiếp tục khơi dậy sự sáng tạo trong toàn xã hội. Không chỉ là những đề tài nghiên cứu, sáng chế mà kể cả những sáng kiến trong quản lý xã hội trong thường nhật.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang