Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ số nâng cao năng suất lao động

authorThảo Nguyên 07:11 05/03/2016

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ ý thức và chú trọng đưa ra những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ công nghệ số.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại lễ công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 của Ngân hàng Thế giới với chủ  đề “Lợi ích số”, chiều 14/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc đến những lợi ích to lớn của công nghệ số trong nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người cũng như tăng cường chất lượng quản lý sản xuất, dịch vụ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là công nghệ số giúp cho từng người, từng nhóm người, từng dân tộc, nhất là những nhóm người nghèo hay bị thua thiệt, yếu thế, những dân tộc, quốc gia đang phát triển được chia sẻ, thụ hưởng và thậm chí đóng góp vào những thành tựu chung của nhân loại”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ số nâng cao năng suất lao độngPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ công bố

Chia sẻ với các đại biểu, diễn giả tham dự lễ công bố về những ngày đầu ứng dụng công nghệ số, đưa Internet vào Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng: Nhờ quan điểm rất mạnh dạn, đi thẳng vào kỹ thuật số và tận dụng tất cả thế mạnh của công nghệ mới đem lại, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam mới có được như ngày hôm nay, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nói về những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của công nghệ số liên quan đến việc làm, quyền riêng tư của cá nhân, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân không phải do công nghệ mà do người sử dụng. Không thể vì những tác động mặt trái mà kìm hãm, kiềm chế công nghệ số phát triển. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân.

Được coi là công cụ đặc biệt để giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của Nhà nước, DN và người dân để tạo dựng môi trường cho công nghệ số phát triển.

Trước hết, cần có môi trường pháp lý thuận lợi, cổ vũ công nghệ số phát triển hướng tới hạn chế tiêu cực và giúp được những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa và những người nghèo có cơ hội khẳng định mình. Giúp cho mỗi người dân có đầy đủ hơn phương tiện để thực hiện quyền làm chủ thực sự, nhất là với yêu cầu ngày càng cao của người dân đối với Chính phủ về việc phải sử dụng CNTT nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện tính minh bạch và mang đầy đủ trách nhiệm giải trình đối với tất cả các vấn đề của xã hội; đồng thời cung cấp tốt hơn các dịch vụ công thiết yếu.

Bên cạnh đó, mỗi một DN phải thực sự coi CNTT là điều kiện, là cơ hội để phát triển.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần ý thức được sự kỳ diệu của CNTT để mở ra những cơ hội phát triển cho bản thân, trong mỗi công việc. Đồng thời, tự hình thành thói quen sử dụng công nghệ số thật đúng, để làm sao bảo vệ lợi ích của mình, qua đó bảo vệ lợi ích của cộng đồng trước những mặt trái của việc sử dụng CNTT.

Theo đó, chiến lược phát triển công nghệ số cần phải có tầm rộng hơn chiến lược phát triển công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Để khai thác tối đa lợi ích, các nước phải tạo được môi trường thích hợp cho sự phát triển công nghệ như các biện pháp quản lý khuyến khích cạnh tranh và gia nhập thị trường, phát triển kỹ năng cho phép người lao động làm chủ được công nghệ, và xây dựng các thể chế có trách nhiệm trước người dân. Ngược lại, công nghệ số cũng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, việc đào tạo kỹ năng, kỹ thuật và cho trẻ em làm quen sớm với công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ về ICT và tác động lên lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang