Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải chú ý hơn nữa tới giáo dục và khoa học công nghệ

author 14:33 10/06/2019

(VietQ.vn) - Nói về những vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần chú ý hơn nữa đến giáo dục và khoa học công nghệ.

Trong bài phát biểu tại “Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực từ phía Bộ KH&ĐT cùng các cơ quan liên quan đã cùng nhau tổ chức Hội nghị này. “Tôi cho rằng diễn đàn này rất quan trọng và tôi cũng có lòng tin vào việc sự kiện hôm nay với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả nhiều kinh nghiệm sẽ đem lại bước phát triển mới cho cộng đồng startup.

Có một điều phấn khởi khi nhìn vào những con số thống kê trong 3 năm gần đây, lượng tiền mà cộng đồng startup nhận được từ các quỹ đầu tư tăng rất nhanh. Ví dụ như so sánh năm 2016 tăng khoảng 49% so với năm 2015, 2017 tăng so với 2016 là 42% và 2019 thì tăng tới 205%. Hy vọng rằng trong năm nay, như một số diễn giả đã nói thì chúng ta sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng”, Phó Thủ tướng cho biết

Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, có một điểm đặc biệt vui mừng là việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến Việt Nam. Đây chính là lợi thế để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển. “Tôi rất chú ý đến ý kiến của các diễn giả, đặc biệt là phần mà các diễn giả nói về việc tại sao nước ngoài lại quan tâm đến Việt Nam nhiều vậy. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm sao để tiếp tục duy trì được sự quan tâm đó.

Nói một cách vắn tắt, thứ nhất, ta phải làm sao giữ được Việt Nam ít nhất là như ngày hôm nay, tức là hòa bình, ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục. Chúng ta cũng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra những cơ hội mới cho tất cả mọi người cùng sản xuất, kinh doanh và cùng được phát huy giá trị của mình. Không chỉ đơn thuần là startup mà tất cả mọi người đều đang tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện mình, cống hiến, đồng thời đem lại điều tốt đẹp cho cộng đồng, cho dân tộc, cho thế giới. Nếu làm được những điều trên thì Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được lợi thế của mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019. Ảnh: Hán Hiển 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, thời gian tới, có một số điểm cần lưu ý để làm tốt. Đầu tiên là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Theo Phó Thủ tướng, có thời điểm xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số vẫn đứng thứ 67, 68 thế giới trong các xếp hạng mới nhất của các tổ chức quốc tế khi nói về nền sản xuất tương lai thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm gọi là “non yếu”.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã có rất nhiều thành tích tốt, ví dụ như đổi mới sáng tạo có những chỉ số được WIPO xếp hạng thứ 45, 47 nhưng chúng ta phải nhận thức rằng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, làm sao cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam phải được cải thiện thật nhanh. Để làm được điều này thì từng tỉnh một, từng ngành một phải có những hành động thật cụ thể.

Điểm thứ hai là phải phát triển mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Ba là, nhất định phải chý ý hơn nữa đến giáo dục và khoa học công nghệ.

“Nói giáo dục với khoa học là quốc sách nhưng hai lĩnh vực này phải được đảm bảo bằng những điều kiện cụ thể, đặc biệt là chính sách về kinh tế. Ví dụ muốn phát triển thực sự khoa học công nghệ thì phải đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp phải là trung tâm, phải đầu tư nhiều hơn vào AND, vào giáo dục. Muốn doanh nghiệp đầu tư vào AND, vào giáo dục đào tạo thì phải có chính sách kinh tế phù hợp từ thuế, tín dụng, đất đai, điều kiện thâm nhập thị trường.

Chỉ kêu gọi thôi là không đủ, chúng ta phải có chính sách kinh tế thiết thực để doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực nếu như tăng đầu tư cho AND, tăng đầu tư cho đào tạo nhân lực. Ba điều tôi nói ở trên mặc dù chúng ta đã thực hiện và có cố gắng nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tới vấn đề làm sao để cộng đồng startup xây dựng khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng không hạn chế ở Việt Nam

“Chúng ta không ngăn doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lập công ty, nhưng chúng ta đừng để họ phải ra nước ngoài lập vì quy định của chúng ta", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016.

Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu (early stage investment, i.e. “Seed” or “Series A” investment), Báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy, Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017. Dự kiến trong các năm tới, các startup giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.

Như vậy có thể thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Như, Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố tạo nên sự thành công của startup bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục hoàn thiện từng bước. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund) trên thế giới và trong khu vực.

Bên cạnh những nỗ lực đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua, Chính phủ cần có chủ trương và chiến lược cụ thể nhằm tiếp cận một cách chủ động với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hán Hiển

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm trong môi trường sinh thái thuận lợi(VietQ.vn) - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi, trong đó, rất cần vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang