Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT: Chuyển đổi số cơ hội để doanh nghiệp nâng tầm

author 11:10 26/11/2020

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số trong doanh nghiệp làm thay đổi hệ thống quản lý vận hành, nâng cao năng suất chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới…

Cuộc cách mạng lâu dài

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) phát triển như vũ bão. Không đứng ngoài “sân chơi” này, Việt Nam đang chủ động thích ứng, tiếp cận những ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Xác định vai trò to lớn của chuyển đổi số, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Giải pháp để đạt được mục tiêu trên là thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, Chính phủ cũng đề ra giải pháp chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.

Trên thực tế, dù chuyển đổi số giúp giảm chi phí hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh… nhưng không ít doanh nghiệp vẫn còn loay hoay, lúng túng trong việc đưa công nghệ vào thay đổi mô hình kinh doanh, sản xuất. Theo ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số - Tập đoàn FPT, dù có tới 70% doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng, chuyển đổi số là tất yếu, là cơ hội thay đổi, tăng khả năng cạnh tranh nhưng họ vẫn còn lúng túng, chưa biết nên bắt đầu từ đâu? Nhiều doanh nghiệp, tổ chức rất muốn chuyển đổi số nhưng lại e ngại tính khả thi của dự án. “Chuyển đổi số ở Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là sự quyết tâm, chủ động của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số”, ông Hoàng Việt Anh nói và cho rằng, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn có những khó khăn nhất định.

Chuyện tâm lý e ngại về tài chính trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp bỗng chốc trở thành rào cản khiến doanh nghiệp không chủ động chuyển đổi số. Bởi doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số và việc phải xây dựng các hệ thống lớn, kéo theo việc đầu tư chi phí lớn… Do đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức muốn chuyển đổi số nhưng nghi ngại về tính khả thi của dự án.

 
Chuyển đổi số suy cho cùng không nhằm mục đích gì khác ngoài giúp doanh nghiệp thay đổi tăng tính cạnh tranh, nâng cao năng suất, sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới, qua đó thúc đẩy phát triển hơn nữa.
 

Nhắc đến câu chuyện chuyển đổi số ở Tập đoàn FPT, ông Hoàng Việt Anh khẳng định, thực sự rủi ro không xảy ra nếu không làm, đã làm sẽ có rủi ro. “Một trong những nguyên lý của FPT khi chuyển đổi số là Nghĩ lớn - Khởi động thông minh - Phát triển tốc độ”, ông nói.

Theo đại diện FPT, chuyển đổi số là cuộc cách mạng đang thay đổi toàn cầu. Đây là những năm tháng đầu tiên trên quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều lý do để xảy ra chuyện chưa đạt được mục tiêu, cho nên nếu chỉ thuần túy nhìn về công nghệ thì sẽ có vấn đề mà chúng ta phải truyền cảm hứng cho đội ngũ từ nhân viên cho đến lãnh đạo liên tục. Do đó: “Phải có cảm hứng làm chuyển đổi số và phải biết làm cái gì cụ thể và làm như thế nào?

Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT: Chuyển đổi số cơ hội để doanh nghiệp nâng tầm

 Ông Hoàng Việt Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Nâng tầm quản trị doanh nghiệp

“Thực sự rất nhiều người nghĩ chuyển đổi số là tập trung vào công nghệ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ”, ông Hoàng Việt Anh chia sẻ. Với quan điểm của FPT, chuyển đổi số là sự gắn kết không thể tách rời của 3 yếu tố: mô hình kinh doanh, công nghệ (công nghệ hạ tầng, công nghệ nền tảng hỗ trợ mô hình kinh doanh) và vô cùng quan trọng là con người. Vì thế, trong quá trình này, nếu không có sự chuẩn bị tốt về lực lượng lao động, cho con người ở các tổ chức trong doanh nghiệp thì dù công nghệ có tốt đến đâu, mô hình kinh doanh có chuẩn đến đâu cũng không thể triển khai thành công được. Vì vậy, sự gắn bó giữa mô hình kinh doanh, công nghệ hạ tầng và con người là yếu tố then chốt để giúp cho quá trình chuyển đổi số có thể thực hiện thành công.

Tương lai của chuyển đổi số chính là quản lý tốt tài sản mình có; phản ứng tức thời với tất cả thay đổi để đáp ứng năng suất hiệu quả, sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo chất lượng; dự báo xu hướng tương lai. Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, ông Hoàng Việt Anh cho biết, ngay từ đầu FPT đã chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện vì nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường trong nước cũng như thế giới.

Theo ông, Việt Nam đang có nhiều cơ hội tốt cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT khai thác thị trường, đóng góp cho quá trình chuyển đổi số quốc gia bằng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ Made by FPT, Made in Vietnam. Hơn nữa, chuyển đổi số là cơ hội để FPT nâng tầm vị thế, vươn lên phân khúc có giá trị cao trong chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin thông qua hoạt động tư vấn chuyển đổi số.

Hiện, một số sản phẩm, giải pháp tiêu biểu như FPT SPro giúp số hóa quy trình nội bộ, giảm 90% thời gian phê duyệt, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng; hay nền tảng FPT. AI hiện tại hỗ trợ hàng triệu yêu cầu truy xuất của người dùng, giảm đến 70% chi phí đầu tư, tiết kiệm 50% thời gian tích hợp và ứng dụng AI cho doanh nghiệp. FPT cũng nâng tầm quản trị nhờ hành trình tự chuyển dịch thành doanh nghiệp số. Ngành dọc chuyển đổi số được thành lập ở mức tập đoàn và các công ty thành viên đảm bảo việc triển khai nhất quán lộ trình chuyển đổi số trên toàn FPT. Nhờ vậy, 30% hoạt động nghiệp vụ của tập đoàn được tự động hóa, việc điều hành, triển khai chiến lược được kiểm soát trực tuyến, giúp nâng cao năng suất, giảm sai sót trong quản trị. 

Thúy Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang