Phong bì ngày 20-11: Thầy giáo nói gì ?

author 10:43 19/11/2013

(VietQ.vn) - Việc nhận phong bì hay quà nói chung phải tùy thuộc vào động cơ của người tặng quà. Người thầy chẳng lạ gì. Nếu vô tư thì đó là quà, còn nếu có ý nhờ vả, thầy nhận quà rồi phải làm những việc khuất tất thì đó là nhận hối lộ.

Thầy Dương Đình Giao là người đã có gần 40 năm dạy học môn Văn, từng làm ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tây (cũ) và Hà Nội.

Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với nhà giáo tâm huyết này, về vấn đề tế nhị là "phong bì ngày 20-11".

Phong bì 20-11

Tình thầy trò sau 43 năm. Trong ảnh, thầy Dương Đình Giao đứng thứ 2 từ phải sang.

 

Thời thầy dạy học, đã có phụ huynh và học sinh nào tặng phong bì cho thầy cô chưa? Nếu có thì thầy "xử lý" như nào?
 
- Thời chúng tôi, phong bì phụ huynh đưa có mấy dạng: Thứ nhất là nhân dịp Tết, ngày 20 - 11, do Ban phụ huynh trực tiếp đưa tại nhà, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm thì mình nhận. Thực chất đây là quà thôi. Vì hồi đầu, người ta thường mua tặng phẩm (bộ ấm chén, lọ hoa, tranh ảnh ...) Nhưng sau chắc thấy các thầy nhận mà chẳng để làm gì, chỉ tổ chật nhà nên thay bằng phong bì (cùng với sự nở rộ của văn hóa phong bì) cho tiện. Theo tôi, cái này có thể tạm chấp nhận.
Thứ hai là cũng dịp lễ Tết, cha mẹ học sinh tới thăm, có quà (thường là quà, hiếm  phong bì). Tôi nhận với điều kiện, học sinh đó bình thường về mọi mặt và khi nhận, mình hoàn toàn không bị mắc nợ.

Còn với học sinh có vấn đề (đạo đức hoặc học lực), tuyệt đối không nhận bất cứ cái gì. Có người đưa nhưng tôi không nhận, định bỏ quà lại để đi về thì tôi nói: "Nếu ông (bà) không mang về, mai tôi sẽ đem ra lớp đưa cho cháu". Họ sợ con bị mang tiếng đành cầm về.
Có người đặt lên bàn thờ (Tôi là con trưởng, bàn thờ không lớn nhưng trang trọng) nói để thắp hương các cụ. Tôi trả lời thẳng: Các cụ nhà tôi không hưởng loại lộc này! Chắc biết thái độ dứt khoát của tôi nên 'tiếng dữ đồn xa" ngày càng ít phải tiếp loại khách không mời này.
 
Hiện nay,nhiều phụ huynh cho rằng, thầy cô cả năm vất vả dạy con mình, nên ngày 20-11, một chút "phong bì" coi như là món quà cảm ơn họ. Mặt khác, lương giáo viên cũng thấp, nên đi phong bì ngày 20-11 là chuyện bình thường. Thầy nghĩ sao về điều này?

Trong hoàn cảnh hiện nay, suy nghĩ của cha mẹ học sinh có thể hiểu. Tôi biết có người thông cảm thật sự với các thầy cô (nhưng từ đó mà đưa phong bì thì không nhiều). Nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhận nhưng không để bị mắc nợ (gọi là "há miệng mắc quai" đấy!).
Việc nhận phong bì hay quà nói chung phải tùy thuộc vào động cơ của người tặng quà. Người thầy chẳng lạ gì. Nếu vô tư thì đó là quà, còn nếu có ý nhờ vả, thầy nhận quà rồi phải làm những việc khuất tất (nâng điểm, nâng hạnh kiểm, ...) thì đó là nhận hối lộ.

Điều mà thầy cảm động nhất về lòng biết ơn của học sinh đối với mình là gì?

Cảm động nhất là mình vê hưu  đã 10 năm, nay lại sống ở miền quê, cách Hà Nội 40 km, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh các thế hệ. Có người đã ra trường 43 năm.
Hai vợ chồng thầy đều làm nghề giáo. Thực sự thì thầy cô mong muốn học sinh của mình làm gì trong ngày 20-11?

Tốt nhất là họ để cho mình được yên. Từ hơn hai mươi năm trước khi về hưu, mình chỉ tiếp các học sinh đã ra trường. Học sinh đang học thì có tới cửa mình cũng cám ơn và mời về. Cha mẹ học sinh thì đã thông báo từ buổi họp phụ huynh từ khi con họ mới vào trường rồi. Gặp gỡ học sinh cũ, những người còn nhớ đến mình sau nhiều năm, chuyện trò, thú vị hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn và chúc thầy cô luôn mạnh khỏe !

NIỀM VUI

Hàng năm, vào tháng 11, tôi thường được mời dự những buổi gặp mặt các lớp học sinh cũ. Những buổi gặp gỡ thường diễn ra nhân 20, 25, 30, … năm ngày ra trường. Nhưng có một lớp, từ hơn hai chục năm nay, năm nào chúng tôi cũng gặp nhau. Đó là lớp 10 D trường Phổ thông cấp 3 Quảng Oai, năm 1970.

Đây là lớp học sinh tôi chủ nhiệm đầu tiên từ khi vào nghề. Cái nhiệt tình, lòng say mê nghề nghiệp của tuổi trẻ, những năm tháng khó khăn thời chiến tranh, … khiến tình cảm giữa chúng tôi có một sự gắn bó đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh trong lớp tỏa đi khắp nơi mà đông nhất là nhập ngũ. 22 năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Có người đã hy sinh, người tiếp tục đứng trong quân ngũ. Có những người sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ phấn đấu, nỗ lực đã thành đạt giữ những vị trí đáng kể. Cũng có những người thầm lặng với cuộc sống quê hương, …Nhưng dù ở đâu, làm việc gì, phần lớn đều có mặt, gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ.

Như cái “duyên”, sau khi lớp này ra trường, tôi lại được phân công chủ nhiệm lớp tiếp theo gồm học sinh của các xã đã học tôi lớp trước. Nhiều học sinh lớp này là em, là cháu của học sinh lớp ấy. Vì hai lớp cùng do tôi làm chủ nhiệm, hai lớp từ 3 năm nay đã tổ chức họp mặt chung. Thế là cùng thời gian, tôi được gặp gỡ hai lớp học sinh mình đã góp phần dìu dắt. 

Nói với họ, những năm gần đây, dù với bao thân thiết, tôi không thể gọi “các em”, cũng không thể gọi “các cô các chú” mà đã phải chuyển thành “các ông các bà”. Dù đã trở thành ông thành bà, nội và ngoại, nhưng hình như cái “nhất quỷ nhì ma…” vẫn chưa hề bị lãng quên. 

Một “tiết mục” không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ là cùng nhau hát lại những bài ca từ gần nửa thế kỷ trước. Những Tiếng hát biên thùy của Tô Hải, Sóng cửa Tùng của Doãn Nho, Tổ quốc tôi của Hồ Bắc, …những lời ca điệu hát đã giúp chúng tôi quên đi bao gian nan vất vả của những năm tháng chiến tranh.

(Thầy Dương Đình Giao) 

Hoàng Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang