Phong cách sống: Giật mình vì lý do giới siêu giàu Nhật nhất định không khoe tài sản

author 07:16 01/08/2017

(VietQ.vn) - Các đại gia Nhật Bản nhận thức sâu sắc về sự giàu có của mình và điều đáng chú ý là họ không bao giờ thích phô trương tài sản.

Nếu sống ở đất nước này, hàng xóm của bạn là người siêu giàu nhưng bạn cũng không hề phát hiện ra bởi họ sống rất giản dị và khép kín.

Nhà của đại gia Nhật không khác gì... những ngôi nhà bình thường khác

Theo tin tức từ Japantimes, một trong những vấn đề kinh tế xã hội lớn nhất ở các nước phát triển hiện nay là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và trở thành vấn đề lớn. Khoảng cách đó lớn đến mức ở Mỹ đã có những khu vực dành riêng cho những người giàu có, tách biệt hẳn so với những tầng lớp có thu nhập khác.

Tuy nhiên, Nhật bản lại không như vậy. Người ta thường nói rằng, ở Nhật Bản bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú mà không hề hay biết vì ngôi nhà của họ trông cũng không khác gì so với nhà hàng xóm xung quanh cả.

Những người Nhật giàu có không thích khoe khoang tài sản và cũng không muốn nổi bật giữa đám đông.

Lý do là vì những người giàu có ở Nhật Bản không thích thể hiện, phô trương sự giàu có của mình và họ cũng không muốn nổi bật trong đám đông.

Làm thế nào để xác định một người giàu có ở Nhật Bản? Theo Atsushi Miura - tác giả của cuốn sách nổi tiếng "The New Rich", một người giàu được coi là giàu có khi thu nhập trung bình mỗi năm của họ vượt quá 30 triệu yên (tương đương hơn 6 tỷ đồng) và họ có tài sản ít nhất là 100 triệu yên (tương đương hơn 20 tỷ đồng). Có khoảng 1,3 triệu người Nhật Bản có tài sản trong khoảng đó (chiếm khoảng 1% dân số).

Một tiêu chí khác để nhận diện người giàu có ở Nhật là họ có xu hướng sống nhờ lợi lợi tức có được từ tài sản của họ mà không cần dùng tới những tài sản đó.

Không bao giờ "ném tiền qua cửa sổ bừa bãi" và lý do khiến nhiều người “ngả mũ”

Trong nghiên cứu của mình, Miura nhận thấy rằng, các đại gia Nhật có khuynh hướng tránh phô trương sự giàu có của mình. Họ không xây biệt thự hoành tráng và cho rằng không nên "ném tiền qua cửa sổ bừa bãi".

Tuy nhiên, những người giàu có Nhật Bản sẽ tiêu tiền vào những thứ họ thích và có xu hướng ủng hộ nghệ thuật. Họ dùng tiền vào việc bảo trợ nghệ thuật và tham dự các buổi hòa nhạc hơn là tiêu tiền vào siêu xe hoặc những loại đồ trang sức đắt tiền. Họ đi du lịch thường xuyên và đi biển bằng tàu thủy.

 Các đại gia ở Nhật Bản thích mua đồ nội địa và đi du lịch trong nước.

Miura cũng nhận thấy rằng, những người giàu có Nhật Bản thích mua đồ nội địa và đi du lịch trong nước. Họ thích dùng loại rượu nổi tiếng của Nhật Bản là nihonshu hơn các loại rượu ngoại. Họ cũng thích những tác phẩm nghệ thuật trong nước hơn là của phương Tây.

Điều này không chỉ đơn giản là vấn đề về thẩm mỹ hay vị giác mà nó chính là biểu hiện về trách nhiệm của mỗi công dân Nhật Bản.

Giới giàu có Nhật hiểu địa vị của họ trong xã hội, và biết rằng đất nước của họ cần tiền của họ. Tuy nhiên, những đại gia này vẫn cố gắng để tránh việc tài sản của họ bị đánh thuế. Vì vậy, nếu họ có thể giữ được tài sản của mình ở nước ngoài, họ sẽ làm. Từ cuối năm 2015, Chính phủ nước này đã ra quy định bắt buổi những người sở hữu tài sản trị giá hơn 50 triệu yên (tương đương hơn 10 tỷ đồng) ở nước ngoài bắt buộc phải khai báo.

Một đặc điểm khác của thế hệ những người giàu mới ở Nhật Bản là họ ý thức được sự giàu có của mình, trong khi những người giàu có trước đây ở Nhật thì họ không để tâm đến điều đó. Đó là bởi chủ yếu những người giàu hiện tại thường có được thành quả là thông qua những nỗ lực, cố gắng của họ.

Ngay cả những người được thừa kế tài sản ở đây cũng có xu hướng làm việc và lao động đến cuối đời, hoàn toàn không có khái niệm “ngồi mát ăn bát vàng”.

Khi đến Nhật, bạn sẽ không thấy giới nhà giàu khoe các siêu xe, biệt thự hoàng tráng du thuyền hoặc máy bay, trực thăng riêng. Mỗi lúc cần ra ngoài, họ giản dị tới mức sử dụng phương tiện công cộng bình thường như những người bình thường khác.

Nhiều người nhớ tới câu chuyện người Nhật ngại phô trương tài sản của mình là ông Hakura Nishimatsu - Cựu chủ tịch kiêm CEO của hãng hàng không Japan Airlines. Ông chính là một ví dụ điển hình về lối sống giản dị, gần gũi.

Ông Hakura Nishimatsu thường có những buổi ăn trưa thân mật với nhân viên trong căng tin tại công ty sử dụng tàu điện là phương tiện đi lại thường xuyên của mình.

3 yếu tố để trở thành người giàu có trong tương lai

Thực tế cho thấy, những gì con cái của những người giàu thừa hưởng không phải là từ tài sản của họ mà chính là những công cụ cho việc kiếm tiền. Đầu tư vào giáo dục là cách tốt nhất để có được sự hiểu biết cơ bản về tiền cách để kiếm ra nó không phải là người bình thường nào cũng có thể đầu tư cho con cái của mình.

Người Nhật Bản rất chú trọng vào việc giáo dục con cái.

Ý tưởng này đã được khai thác trong một chương trình truyền hình của Tokyo “Nikkei Plus 10”. Trong đó, một cán bộ của Viện nghiên cứu Nomura tên là Junji Hatoriya đã chỉ ra cách những người giàu có ngày nay duy trì sự giàu có của họ trong khi tầng lớp trung lưu của Nhật vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi.

Hatoriya đã tiết lộ 3 yếu tố quan trọng của những người có thu nhập cao sẽ trở thành người giàu có trong tương lai.

Yếu tố đầu tiên bao gồm những đứa trẻ con nhà đại gia. Nghiên cứu cho biết, những đứa trẻ con nhà giàu không nhất thiết phải thừa kế tài sản của cha mẹ mới giàu có. Thay vào đó, chúng học hỏi từ cha mẹ mình và bắt tay vào các chiến lược đầu tư của riêng chúng. Chỉ 8% số trẻ con nhà bình thường có kinh nghiệm đầu tư, trong khi 24% trẻ em giàu có có kinh nghiệm này và 52% sở hữu cổ phiếu riêng.

Yếu tố thứ hai là sức mạnh của các cặp vợ chồng quyền lực – tức là các cặp vợ chồng, trong đó cả hai cùng làm việc và mang về nhà một khoản thu nhập ít nhất là 10 triệu yên một năm. 44%cặp vợ chồng quyền lực có kinh nghiệm đầu tư, trong khi chỉ có 15% là ở các cặp đôi bình thường khác.

Quan trọng hơn, các cặp vợ chồng quyền lực thường tham khảo các chuyên gia tư vấn tài chính khác. Những lời khuyên của các chuyên gia về cách quản lý tiền của họ rất hữu ích với các đại gia bởi họ thường không có thời gian để làm điều đó.

Những người giàu có chi tiêu tiền của mình một cách thoải mái,nhưng chủ yếu là bào những thứ sẽ cho họ nhiều thời gian rảnh hơn, chẳng hạn như dịch vụ trông và dọn nhà.

Yếu tố cuối cùng mà cán bộ của Nomura đề cập tới liên quan tới những người già công nghệ. Đó là những người về hưu có am hiểu về công nghệ và dành nhiều thời gian trên mạng.

Những người già công nghệ ở Nhật hiểu thế giới thay đổi như thế nào và tự học về đầu tư thông qua mạng.

Họ hiểu thế giới thay đổi như thế nào và tự học về đầu tư thông qua mạng. Không phải là để họ mua và bán cổ phiếu trực tuyến, họ vẫn làm theo cách cũ - thông qua các công ty môi giới nhưng vì họ có kiến thức sâu rộng về xu hướng tài chính nên có thể tham khảo, hỏi ý kiến các chuyên gia và đưa ra quyết định đúng đắn.

Viện nghiên cứu Nomura ước tính, có khoảng 8,8 triệu người già công nghệ có tài sản trung bình khoảng 26 triệu yên, trong khi tài sản trung bình của những người già bình thường khác là khoảng 14 triệu yên.

Mộc Trà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang