Phòng khám 28B Điện Biên Phủ 'móc túi' bệnh nhân

author 06:34 25/04/2014

Bà L (Hải Dương) bị đau cổ. Đến phòng khám Đa khoa 38A Điện Biên Phủ (Hà Nội), bác sỹ chỉ định bà phải làm các thăm khám cận lâm sàng với 16 mục trong đó có siêu âm... ổ bụng.

Theo phản ánh của bện nhân và ghi nhận của PV, phòng khám Đa khoa 38A Trần Phú (Hà Nội) đang áp dụng nhiều chiêu trò để "móc túi" người bệnh.

“Đã đến là phải khám từ A-Z”

Từ trước tới nay nghe chuyện nhiều phòng khám tư nhân ở Hà Nội bắt bệnh nhân làm đủ các xét nghiệm khi đến khám ở đây, mặc dù các xét nghiệm ấy nhìn chung chẳng liên quan gì đến triệu chứng bệnh của họ, hiếm người tin.

Bởi rất vô lý khi bệnh nhân khám vết thương ở chân nhưng bác sỹ ở cơ sở y tế tư nhân lại bắt khám từ A-Z. Thậm chí có những bệnh chỉ cần thăm khám hoặc làm các xét nghiệm thông thường đã có thể phát hiện bệnh.

Tuy nhiên, đã đến là phải khám từ A-Z để không bị sót bệnh là điều mà hầu như tất cả các bệnh nhân bắt buộc phải làm khi đến phòng khám Đa khoa 38A Trần Phú (Hà Nội).

Phản ánh với PV, bà N.T.L (50 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) cho biết, bà thường xuyên bị đau đầu. Được biết phòng khám Đa khoa 38A Điện Biên Phủ là một trong những cơ sở y tế tư nhân ra đời đầu tiên ở Hà Nội nên bà rất tin tưởng.

Tại đây, sau khi làm thủ tục, bà được nữ y tá hướng dẫn vào phòng khám để đo huyết áp, nghe tim, phổi, kiểm tra ổ bụng. Sau đó, bác sỹ chỉ định bà phải làm các thăm khám cận lâm sàng với 16 mục gồm: Chụp X-quang cổ thẳng, cổ nghiêng, điện tim, siêu âm tổng quát 4 màu, chức năng gan, đường máu, máu lắng.

“Trong quá trình khám thể trạng để kiểm tra bụng, bác sỹ đã đưa ra kết luận: Bình thường. Nhưng khi chỉ định thăm khám cận lâm sàng, bác sỹ lại yêu cầu tôi phải siêu âm toàn bộ ổ bụng để kiểm tra lại kết luận trên.

Thậm chí, bác sỹ còn yêu cầu bệnh nhân khám phụ khoa với lý do, bệnh đau đầu nhiều khi xuất phát từ phụ khoa nên phải khám cho chắc. Khi được thắc mắc, bác sỹ lại trả lời: Nếu chị thích thì làm không thích thì thôi”, bà N.T.L. kể.

Khá bức xúc, bà L. nói: “Đi khám hay điều trị bệnh không phải thích hay không thích mà chỉ có thể là chỉ định hoặc chống chỉ định. Trong trường hợp khám ngoài những bệnh tật đang mắc phải, bác sỹ phải hỏi ý kiến bệnh nhân rồi trên cơ sở đó mới chỉ định chứ không được bắt buộc ngay từ đầu. Bởi bắt buộc như vậy, đương nhiên với tâm lý chung của người bệnh, họ sẽ răm rắp làm theo. Để thực hiện cả 16 mục thăm khám theo yêu cầu của bác sỹ, tôi phải tốn vài triệu đồng trong khi bệnh của tôi chỉ là đau đầu”.

Một trường hợp khác tương tự, bà P.T.H. (Thanh Miện, Hải Dương) bị đau lưng, khi đến khám tại phòng khám Đa khoa 38A Trần Phú, bà cũng được yêu cầu làm tất cả những xét nghiệm. Nào là siêu âm, xét nghiệm phát hiện ung thư sớm, nào là xét nghiệm xem nhiễm khuẩn hay không. Sau đó, bà được bác sỹ kê một đơn thuốc hoàn toàn là thuốc ngoại với giá khá “chát” và được khuyên nên mua thuốc tại cửa hàng dược ở phòng khám cho… đảm bảo và đủ thuốc?!

Đem đơn thuốc đến các cửa hàng dược phẩm khác để tìm mua, tất cả các cửa hàng dược phẩm này đều lắc đầu. Các dược sỹ tư vấn cho bà, theo nguyên tắc kê đơn, ngoài tên thuốc, các bác sỹ phải kê kèm theo biệt dược, hợp chất để bệnh nhân có thể tìm các loại thuốc thay thế.

Tuy nhiên, với đơn thuốc của bà H., bác sỹ chỉ ghi tên thuốc, kèm xuất xứ từ Hàn Quốc, ấn Độ, không có bất kỳ hướng dẫn nào kèm theo nên các dược sỹ không thể tư vấn cho bà mua loại thuốc khác có công dụng tương tự.

Bà H. bức xúc, “khi làm tất cả các thủ tục khám bệnh, tôi đã nghe theo lời bác sỹ vì nghĩ đã đi khám thì khám tổng thể để nếu như có bệnh phát sinh thì còn điều trị kịp thời. Với đơn thuốc ngoại này, giá không những đắt mà còn là thuốc độc quyền của phòng khám. Chính vì thế tôi bắt buộc phải quay lại phòng khám Đa khoa 38A Trần Phú để mua thuốc. Liệu việc kinh doanh thuốc khép kín giữa phòng khám và cửa hàng dược thế này có phải là một chiêu để phòng khám này moi tiền bệnh nhân?!”.

Phòng khám sẽ kiểm tra và nhắc nhở

Trao đổi với PV, bác sỹ Trần Xuân Đào, Giám đốc phòng khám Đa khoa 38A Trần Phú cho biết, sẽ tiếp nhận những phản ánh từ phía bệnh nhân, đồng thời sẽ kiểm tra sự việc và nhắc nhở các y bác sỹ để rút kinh nghiệm.

Bác sỹ Đào giải thích: “Hoàn toàn không có chuyện phòng khám của chúng tôi độc quyền. Việc kinh doanh thuốc tại đây đã được sự cấp phép của sở Y tế, bộ Y tế. Phòng khám cũng nhập thuốc từ các công ty được bộ Y tế cho phép. Việc bệnh nhân đi mua thuốc ở cửa hàng dược khác không có cũng là chuyện bình thường, bởi tuỳ cửa hàng có thể nhập hoặc không nhập loại thuốc đó. Khi bệnh nhân đến khám tại đây, các bác sỹ đều nắm được các loại thuốc có sẵn để tư vấn cho họ nhưng bệnh nhân muốn mua tại phòng khám hay mua chỗ khác là tuỳ”.

Về vấn đề đơn thuốc chỉ ghi tên thuốc mà không kèm theo bất kỳ biệt dược hay loại hợp chất nào theo nguyên tắc kê đơn thuốc, bác sỹ Đào nói: “Theo nguyên tắc là như thế nhưng đứng về phía chuyên môn mà nói, do hợp chất của thuốc rất dài nên không mấy khi bác sỹ kê ra trong đơn thuốc. Thông thường bác sỹ chỉ kê tên, hàm lượng, cách thức uống để chỉ dẫn cho bệnh nhân. Chị cứ hỏi tất cả các thầy thuốc mà xem?!

Việc bệnh nhân kêu ca thuốc ngoại thường đắt hơn thuốc nội và khó mua hơn, vì lẽ chúng tôi luôn muốn bệnh nhân có hiệu quả điều trị tốt nhất nên thường kê đơn thuốc ngoại. Tuy nhiên, bệnh nhân không trao đổi với chúng tôi để chúng tôi kê đơn thuốc nội mà về nhà mới nói thì lúc đó sự việc đã xảy ra rồi”.

Vị bác sỹ này còn nói thêm, “đa số bệnh nhân đến đây đều phải chuẩn bị chu đáo về kinh tế nên yêu cầu rất cao, nhiều người yêu cầu thuốc đắt. Nhưng cũng có bệnh nhân tính toán. Chúng tôi tiếp thu và nhắc nhở các bác sỹ”.

Về tình trạng bệnh nhân phải khám tổng thể từ A-Z, bác sỹ Trần Xuân Đào cũng thừa nhận là có. Bác sỹ Đào cho biết: “Chúng tôi phải giải thích cho bệnh nhân hiểu, đã đến khám là phải khám hết, không thể khám một mặt được. Nếu không làm thế, bệnh nhân khám ở đây về, sau một thời gian phát sinh thêm bệnh khác lại bảo chúng tôi không phát hiện được bệnh. Lúc đó, họ đến cơ sở khác khám, thành ra lỗi là của chúng tôi.

Vì thế, chúng tôi phải có chính kiến để chỉ định họ. Trừ trường hợp bệnh nhân trình bày không đủ điều kiện thì chúng tôi phải xem lại hướng khác để tìm ra bệnh cụ thể, còn không, đã đến là phải khám hết”

Các phòng khám tư nhân phải niêm yết giá công khai

Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, các phòng khám tư nhân được quyền tự công bố giá nhưng phải niêm yết giá công khai, nếu kiểm tra không có niêm yết sẽ bị xử phạt.  Hiện nay, căn cứ để xử phạt là theo Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra còn căn cứ theo thực tế để có các hình thức xử lí khác. Hình phạt cao nhất là thu hồi giấy phép.

Cũng theo Thông tư 08/BYT-TT ngày 4/7/1997, nguyên tắc kê đơn, sau tên thuốc phải mở ngoặc rồi viết tên biệt dược.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 96 cũng nêu rõ các vi phạm của người khám chữa bệnh như: Chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi sẽ bị phạt.

Theo Tuoitrethudo-nguoiduatin

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang