Phòng ngừa tăng huyết áp bằng những món ngon ngày Tết

authorTrần Thanh 11:00 21/01/2017

(VietQ.vn) - Những món ngon ngày Tết như bánh chưng, thịt gà, nem,... nếu ăn nhiều đều không có lợi cho người bị cao huyết áp.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Thói quen sinh hoạt cùng với những món ngon ngày Tết vô tình biến thành nguyên nhân của nhiều chứng bệnh trong đó có cao huyết áp. Thực đơn ngày Tết gồm các món ăn truyền thống của Việt Nam đa phần đều không có lợi cho người huyết áp cao. Vì thế, việc lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý trong dịp Tết là rất quan trọng. Cùng tham khảo một số kinh nghiệm chọn thực phẩm giúp ổn định huyết áp mỗi dịp Tết đến xuân về.

Món ngon ngày Tết nên ăn như thế nào để giúp điều hòa huyết áp ở những người huyết áp cao

Món ngon ngày Tết nên ăn như thế nào để giúp điều hòa huyết áp ở những người huyết áp cao

Đối với các món chiên xào

Các món ngon ngày Tết như thịt heo, gà chiên, cá chiên, lạp xưởng chiên... chứa nhiều dầu mỡ được khuyến cáo không nên dùng quá 20g/ngày (khoảng 4 muỗng cà phê dầu ăn/ngày) vì sẽ làm tăng nguy cơ gây nhiều biến chứng tim mạch. Đối với các món ăn này, nên chế biến bằng các hình thức luộc, hấp. 

Bên cạnh đó, "kẻ thù" của người tăng huyết áp trong ngày Tết còn là chất béo. Chất béo từ thịt và trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần vào việc gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Nên hạn chế ăn thịt và thay bằng các loại cá.

Đối với các loại bánh truyền thống

Người huyết áp cao không nên ăn nhiều những món ngon ngày Tết như bánh chưng

Người huyết áp cao không nên ăn nhiều những món ngon ngày Tết như bánh chưng

Bánh chưng, bánh tét là những món ngon ngày Tết rất giàu năng lượng, chúng có đủ các nhóm chất dinh dưỡng đạm, béo, tinh bột nhưng lại thiếu chất xơ. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn kèm với dưa hành, củ kiệu hay dưa món. Các món dưa có chứa nhiều chất xơ giúp ăn ngon miệng. Tuy nhiên trong những món này tỷ lệ muối khá cao nên không phù hợp cho người bệnh cao huyết áp.

Nên thay thế các món dưa muối bằng các loại củ ngâm chua ngọt như kiệu ngâm chua, cà rốt, củ cải ngâm chua, ngó sen ngâm chua... Chỉ nên ăn bánh chưng, bánh tét (khoảng 100gr/ngày) vào bữa ăn sáng hoặc trưa là những bữa ăn cần năng lượng trong ngày.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn

Các món thịt nguội, giò chả, nhóm thực phẩm chế biến sẵn cung cấp nhiều chất đạm, chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra nhóm thực phẩm này còn chứa tỷ lệ muối cao vì muối vừa là chất điều vị, vừa là chất bảo quản. Nên hạn chế những món ăn này trong thực đơn dịp Tết để tránh nguy cơ gây tăng huyết áp.

Đối với các loại hạt

Các loại hạt như hạt dưa, hạt bí, hạt điều, hạt hướng dương, hạt "dẻ cười". Đây là món ăn vặt khá ngon và mang hương vị ngày xuân nhưng chứa nhiều chất béo, chất đạm tạo nên cảm giác "no ngang". Để tạo sự ngon miệng người sản xuất thường ngậm tẩm trong muối và đường hóa học. Bệnh nhân tăng huyết áp cần hạn chế các món ăn này.

Đối với món ăn chứa nhiều đường

Món ăn chứa nhiều đường như kẹo, mứt tuy ngon miệng nhưng sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp cao cho người bệnh

Món ăn chứa nhiều đường như kẹo, mứt tuy ngon miệng nhưng sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp cao cho người bệnh

Bánh, kẹo, mứt cung cấp năng lượng nhưng rất ít chất xơ, không chứa vitamin và khoáng chất lại chứa khá nhiều đường. Những người huyêt áp cao không nên dùng nhiều những món ăn này vì dễ làm tăng cân, tạo cảm giác nặng nề khó chịu. Nên dùng các loại trái cây tùy theo sở thích và theo mùa như dưa hấu, cam, quýt, mãng cầu, bưởi, thanh long... khi đãi khách hay trong các bữa ăn hàng ngày. Vừa thanh đạm lại rất tốt cho sức khỏe.

Trần Thanh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang