Phụ nữ có cần được ưu tiên trong khoa học?

author 17:35 08/03/2014

Vừa là chủ trì, đồng chủ trì xấp xỉ 100 công trình nghiên cứu trong 30 năm làm khoa học (KH), PGS-TS Bùi Thị Mai An - Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu (Viện Huyết học và Truyền máu TƯ) - đã chắc nịch khẳng định: Điều chúng tôi muốn và sự thực là luôn bình đẳng với nam giới trong khoa học. Thậm chí, khi chị em phát huy tính kiên trì, tỉ mẩn của mình, họ còn thành công không kém gì nam giới.

Sự kiện:

Nghiên cứu khoa học vừa vui, vừa… trẻ
Chiều 7.3, vừa vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao Động hạng Ba, TS Mai An cho biết bà đang bắt tay vào nghiên cứu đề tài phù hợp phenotype ở bệnh nhân Thalassemia. Những bệnh nhân này phải truyền máu thường xuyên, nếu được chọn lọc nguồn máu truyền có phenotype phù hợp, họ sẽ giảm được số lần truyền, số lần nhập viện, số lần thải sắt; nghĩa là hàng triệu bệnh nhân Thalassemia trên cả nước có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chính vì thấy tính khả thi, tính khoa học và ý nghĩa đó, PGS An đã quyết tâm đi thuyết phục rất nhiều cấp lãnh đạo chấp nhận ý tưởng. Biết bà đang là đồng chủ trì đề tài khác “Xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa đảm bảo an toàn truyền máu”, lại vẫn làm công tác điều trị trực tiếp, tôi đã hỏi bà làm sao có thời gian cho riêng mình? Bà đã nói rằng, khi đó bà sẽ phát huy sự nữ tính của mình trong chính việc sắp xếp thời gian, lồng ghép vào công việc hằng ngày, thậm chí mỗi tuần có một vài buổi về muộn, chứ không phải là một sự đánh đổi nào đó.
TS An tự hào về kết quả những đề tài nghiên cứu từ khi còn là sinh viên Y6 hay tốt nghiệp bác sĩ nội trú của mình như: Đánh giá tế bào gai rau, tế bào nước ối để chẩn đoán trước sinh, đến nay sau mấy chục năm vẫn được các BV trên cả nước sử dụng.
Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, giúp công việc của họ hoàn thiện hơn. Đó chính là động lực nuôi niềm say mê của bất cứ nhà KH nào. Dù là nam hay nữ, động lực đến với khoa học đều như nhau. Vì thế mà theo TS An, nếu được cộng điểm để tham gia nghiên cứu KH, niềm vui đó cũng không lâu bền bằng chính họ nhìn thấy hiệu quả thực tế. Niềm vui đó dường như làm cho bà trẻ hơn và tiếp thêm động lực cho những công trình mới.
Sẵn sàng đóng vai “ác” trong khoa học
Một đồng nghiệp của TS An, PGS-TS Bạch Khánh Hòa - chủ nhân giải thưởng Kovalepxkaia năm 2012 cũng nổi tiếng là một người chuyên đóng vai “ác”. Thế hệ trẻ ở trong Viện Huyết học và Truyền máu TƯ gọi bà, xưng con thân thiết, rất vui vẻ, nhưng trong các hội đồng KH, bà vẫn phát biểu thẳng. Bà vẫn đùa: “Mọi người hay gọi tôi đến, chắc phải có vai “ác” của tôi thì mọi người mới nói. Tôi cũng vẫn khó tính thôi, bởi tôi nghĩ nếu không có những ý kiến góp ý, đề tài đó vẫn cứ có thể làm nhưng ít tính thực tiễn thì cũng rất lãng phí”.

Có lẽ đó là sự khẳng định rõ nhất về sự bình đẳng trong khoa học giữa nam và nữ giới của PGS Hòa. Khó có thể kể ra hết khối “tài sản” trong lĩnh vực chuyên khoa sâu miễn dịch huyết học mà bà đã khởi xướng và cùng đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu trong gần 40 năm qua. Cảm phục và cảm nhận được sự nữ tính mà mạnh mẽ của người nữ làm khoa học, các đồng nghiệp nam vẫn có cái nhìn nhân văn và đồng cảm.

Như PGS-TS Nguyễn Quốc Anh - GĐ BV Bạch Mai - so sánh: “Các chị em muốn thành đạt ngang với anh em, họ đã phải giỏi và cố gắng gấp 3 lần nam giới”. GS-TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - cũng đã chia sẻ: “Nhiều người phụ nữ say mê KH đã phải chịu nhiều thiệt thòi cho riêng mình và gia đình. Vì thế, cũng cần tính đến chính sách ưu tiên cho giới nữ trong KH, dù đơn thuần chỉ để khuyến khích họ”.

Theo LD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang