Phú thọ: Dự án công viên...rùa bò!

author 13:01 12/03/2012

Theo quy hoạch năm 1999, dự án công viên Văn Lang có tổng diện tích hơn 110ha được triển khai xây dựng đã hơn 10 năm nay song đến thời điểm hiện tại mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ!

Được kỳ vọng thành một công viên tích hợp các khu du lịch, thể dục thể thao, khu văn hóa lịch sử…công viên Văn Lang (nay là Khu du lịch Văn Lang), thành phố Việt Trì  được phê duyệt theo quyết định số 547/1999/QĐ-UB ngày 12/3/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. T

oàn bộ Khu du lịch có diện tích: 113 ha, trong đó có: 58,77 ha mặt nước, được chia thành 8 khu chức năng, gồm:  Khu thể dục thể thao: 12,20 ha; Khu thanh thiếu niên: 3,22 ha;  Khu văn hoá lịch sử (bao gồm:  Khu Lạc Long Quân và Âu Cơ, Khu Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Khu đài phun nước, Đảo Tiên Dung – Chử Đồng Tử, Đảo Mai An Tiêm, Khu vực sự tích trầu cau, Khu vực bánh chưng bánh dày, Hạt thóc thần, Khu bãi tắm trên cát): 18,13 ha v.v…

Dự án công viên Văn Lang đến nay vẫn là bãi đất hoang thế này!
Dự án công viên Văn Lang đến nay vẫn là bãi đất hoang thế này!

Đầu tiên, Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị Việt Trì được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, công ty này không khởi động được dự án nên UBND tỉnh bàn giao cho Sở Thương mại và Du lịch. Tưởng rằng Sở sẽ giải quyết được sự ì trệ nhưng Sở cũng vẫn bó tay. Một lần nữa, năm 2009, “quả bóng” được “chuyền” sang cho UBND thành phố Việt Trì làm chủ đầu tư.

Người dân Việt Trì thường gọi đùa đây là “công viên viển vông” bởi 13 năm trời trôi qua nhưng dự án vẫn nham nhở với những ruộng lúa cấy dở, những ngôi nhà còn vài bức tường nham nhở và hàng chục ha đầm hồ cỏ dại mọc ngút ngàn. Bước qua những đống gạch vụn hoang tàn sau giải phóng mặt bằng  là hàng trăm xi lanh, kim tiêm vứt bừa bãi. Hơn 100 ha đất đang bị bỏ hoang một cách lãng phí giữa lòng một thành phố công nghiệp ngột ngạt và ô nhiễm.

Ngày 10/3, khi chúng tôi tiếp xúc với những người dân ở xung quanh dự án đều nhận được sự phản ánh hết sức bức xúc về sự ì trệ này. Anh Trần Việt Cường, một người dân tại thành phố Việt Trì nói: “Tôi cho rằng việc dự án triển khai chậm là do quy mô hoành tráng thái quá.
 
Một thành phố nhỏ như Việt Trì mà công viên trung tâm rộng hơn 100 ha thì quả là khó thích hợp. Bởi lẽ, dự án lớn thì kinh phí cũng lớn.Trong khi đó, ngân sách đầu tư nhỏ giọt. Rất nhiều hộ gia đình vướng vào quy hoạch đã phải bồng bế nhau đi chỗ khác, bàn giao mặt bằng từ rất lâu nhưng giờ đất đai vẫn bỏ hoang. Vì thế cho nên lòng tin vào dự án này ngày càng mai một đi”.

Theo nhiều người dân nơi đây, UBND thành phố không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách mà phải tạo điều kiện, cơ chế cho nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Dự án này phải được xã hội hóa thì bài toán vốn mới được giải.


Làm việc với nhiều cơ quan chức năng tại tỉnh Phú Thọ về công viên này, ở đâu chúng tôi cũng gặp những cái lắc đầu chán nản.
 
Câu trả lời chung cho việc chậm tiến độ này là nguồn vốn. Tháng 8/2011, ông Trương Xuân Chí, Phó Bí thư Thành ủy Việt Trì đã có văn bản báo cáo Tỉnh ủy về những nguyên nhân khiến cho dự án bị đình trệ. Theo đó, do các chế độ chính sách thay đổi; đơn giá, định mức, giá vật liệu thường xuyên biến động lớn dẫn đến dự toán lập từ thời điểm đấu thầu đến nay không còn phù hợp; giá vật liệu theo dự toán cũ hoặc thông báo, báo giá thấp hơn giá thị trường gây khó khăn trong quá trình thi công.  

Ngày 10/3, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thấn, Trưởng Ban quản lý dự án, UBND thành phố Việt Trì cho biết: “Tỉnh và thành phố đã hết sức nỗ lực để triển khai dự án nhưng bài toán lớn nhất đó là kinh phí. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Phải tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa chứ nếu chờ vốn ngân sách thì không biết đến bao giờ. Nếu giải quyết được tình trạng đói vốn, đảm bảo dự án sẽ được triển khai nhanh chóng”.

Được biết, những nguyên nhân khiến dự án đình trệ đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu như: Tiến độ đầu tư chậm, nhiều lần thay đổi chủ đầu tư; Nguồn vốn cho dự án hạn chế; Tổng mức đầu tư toàn dự án, thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục: Nạo vét lòng hồ, đoạn kè trước cổng Tỉnh ủy… được lập và thiết kế từ lâu do nguồn vốn không đảm bảo nên phải điều chỉnh mất nhiều thời gian…Một số phương án bồi thường được duyệt từ trước khi bàn giao do không có nguồn để chi trả nên phải thực hiện kiểm kê tính toán lại;  14 hộ dân phố Thọ Mai thuộc dự án đường vành đai Công viên không nhận tiền và không giải phóng mặt bằng, gây nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc giải quyết đơn, tuyên truyền, vận động…

Một cán bộ (xin được giấu tên) nói: Dự án công viên Văn Lang “rùa” còn do việc Nhà nước thay đổi về chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tạo ra tâm lý chờ đợi của những hộ dân liên quan. Cùng một thời gian Thành phố đầu tư nhiều dự án nên vốn đầu tư cho dự án còn hạn chế…

Hiện người dân Việt Trì đang hết sức bức xúc với tiến độ của dự án này. Họ cho rằng nên điều chỉnh quy hoạch theo hướng chia nhỏ dự án. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cần phải hết sức linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn để hơn 100 ha đất vàng không bị bỏ hoang giữa lòng thành phố. 
 
Theo GĐ&XH
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang