Phú Thọ nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa mới

author 13:48 22/12/2014

(VietQ.vn) - Phú Thọ đã triển khai thực hiện nhiều mô hình với các loại giống lúa khác nhau và đều cho năng suất cao, nhằm giúp người dân có thêm nhiều giống lúa tốt đưa vào sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đây được xem như là “điểm tựa” để người nông dân lựa chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương.  Việc thí điểm thành công các mô hình giống lúa mới tại Phú Thọ có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán, nâng cao khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân địa phương.

Nâng cao năng suất cây lương thực nhờ biết áp dụng tiến bộ KHKT mới

Nâng cao năng suất cây lương thực nhờ biết áp dụng tiến bộ KHKT mới. Ảnh minh họa

Tại xã Sơn Hùng, huyện miền núi Thanh Sơn, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã triển khai mô hình lúa TRB45 trên diện tích 3 ha với 33 hộ dân tham gia. Ngoài việc hỗ trợ về giống, phân bón, các hộ tham gia còn được tập huấn kỹ thuật. Qua so sánh với giống lúa Khang dân 18 ở cùng một điều kiện chăm sóc như nhau, giống TRB45 có khả năng chống chịu được với sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt hơn, thích ứng với điều kiện thời tiết, phù hợp với chân đất gieo trồng 3 vụ. Về năng suất, giống TRB45 cho năng suất trung bình 250 kg/sào, thu lãi trên 700.000 đồng/sào, trong khi giống đối chứng chỉ đạt 210 kg/sào, thu lãi trên 300.000 đồng/sào.

Tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ mô hình sử dụng phân NPK-S Lâm Thao khép kín và ứng dụng bản đồ nông hóa trong bón phân cho cây lúa mùa trên đất phù sa.Mô hình có 30 hộ tham gia với diện tích trình diễn 1,5ha. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, trên đất phù sa sử dụng phân NPK-S Lâm Thao khép kín cho lúa mùa theo đúng quy trình hướng dẫn đảm bảo cung cấp cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho lúa sinh trưởng, ít sâu bệnh hại.

Năng suất lúa của mô hình đạt 6,8 tấn/ha, tương đương trên 250 kg/sào, cao hơn so với các công thức bón phân khác từ 0,5 đến 1 tấn/ha. Mặt khác, sử dụng bón phân khép kín trên đất phù sa còn có khả năng tiết kiệm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán, trồng lúa theo mô hình này sau khi trừ chi phí, nông dân sẽ lãi 11,2 triệu đồng/ha.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên địa bàn, người nông dân huyện Hạ Hòa đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả vào sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế mới hình thành và phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động lúc nông nhàn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 

Ngay từ đầu vụ huyện Hạ Hòa chú trọng đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc; đồng thời cải tạo đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó huyện tích cực hướng dẫn bà con nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ và sử dụng thuốc BVTV an toàn, đúng thời điểm, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật IPM để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Hòa: Năng suất lúa chiêm xuân năm nay đạt khoảng 54 tạ/ha; sản lượng ước gần 22.000 tấn. Một số xã đạt năng suất cao như: Vụ Cầu, Động Lâm, Vĩnh Chân, Mai Tùng năng suất đạt 56 tạ/ha.

Còn tại xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao mô hình thâm canh giống lúa lai hai dòng TH3-5 được gieo trồng trên diện tích 0,7 ha, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI và sử dụng phân bón NPK Lâm Thao theo quy trình khép kín cũng đem lại hiệu quả bước đầu. Giống TH3-5 có hình dạng cây gọn, độ thuần đồng ruộng khá, có khả năng đẻ khỏe, cây lúa sinh trưởng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ. Năng suất dự thu 231 kg/sào, tương đương 64,1 tạ/ha (cao hơn giống Khang dân 18 là 7,8 tạ/ha).

Thanh Bình

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang