Phú Thọ phê duyệt dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa” giai đoạn 2014-2020

author 04:37 14/07/2014

(VietQ.vn) – Ngày 10/6 mới đây , UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa cho DN vừa và nhỏ giai đoạn 2014-2020”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sản xuất giấy tại Công ty Giấy Bãi Bằng ( Phú Thọ)

Theo đánh giá, năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua đã có bước tiến bộ đáng kể, về cơ bản các doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn đã và đang có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ; công nghệ sản xuất đã được đổi mới, sản phẩm được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận. 

Năm 2011, có 37 Doanh nghiệp đã xây dựng, áp dụng 56 hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến (như: ISO 9001, ISO 14001, HACCP, GMP, ISO 22000, TQM, 5S …..); có 200 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; 01 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 03 làng nghề, hiệp hội được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. 

Các sản phẩm sản xuất đã gắn với vùng nguyên liệu, các DN chế biến đã có vùng nguyên liệu tập trung. Đa số các ngành sản xuất truyền thống có đội ngũ công nhân lành nghề, có điều kiện cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ. Nhóm sản phẩm và sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh đã được khẳng định và đứng vững trên thị trường, gồm: nhóm sản phẩm công nghiệp (Chè chế biến, giấy, Phân bón hóa học, Hóa chất, Rượu, Bia; Các sản phẩm dệt may; Vật liệu xây dựng; Nhiên liệu sinh học); nhóm sản phẩm nông nghiệp (Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì); nhóm sản phẩm du lịch (Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh); nhóm sản phẩm dịch vụ (Dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ vận tải). Đã khai thác và sử dụng tương đối tốt những lợi thế của tỉnh như: nguyên liệu giấy, nguyên liệu chè, tài nguyên, khoáng sản…. tạo ra được một số sản phẩm có chất lượng cao như: Giấy, phân bón hóa học, xi măng, gạch ốp lát.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, các ngành, các lĩnh vực phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,6%, trong đó nông lâm nghiệp tăng 5%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,3%, dịch vụ tăng 12,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại và hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là: Tiềm lực và quy mô sản xuất chưa lớn; công nghệ sản xuất nhìn chung trình độ còn thấp; phần lớn sản phẩm sản xuất chưa có thương hiệu mạnh; 

Sản phẩm sản xuất chủ yếu là hàng tiêu dùng giá trị và lợi nhuận thấp, tỷ lệ tăng trưởng không cao; Đội ngũ chủ DN và cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng quản lý, đặc biệt là kỹ năng quản trị kinh doanh tiên tiến; 

Hoạt động nghiên cứu thị trường của các Doanh nghiệp chưa được tổ chức một cách khoa học mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, các Doanh nghiệp còn rất hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, công cụ toán học, thống kê trong nghiên cứu thị trường; 

Quá trình đổi mới công nghệ chậm, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động còn thấp, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao làm yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm mũi nhọn sử dụng nguồn khoáng sản và các điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Phú Thọ luôn chú trọng việc tăng năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu phát triển  KT-XH của địa phươngPhú Thọ luôn chú trọng việc tăng năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu phát triển  KT-XH của địa phương

Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế về năng suất và chất lượng là chưa có chiến lược tổng thể để xây dựng phong trào năng suất và chất lượng; là tỉnh nghèo, xuất phát điểm kinh tế thấp, nội lực của các doanh nghiệp yếu, đặc biệt là vốn và trình độ khoa học công nghệ; Kinh nghiệm và điều kiện tham gia hội nhập còn ít; Mô hình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó đội ngũ chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng, đánh giá sự phù hợp và năng lực đo lường thử nghiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành về chất lượng sản phẩm còn hạn chế. 

Kết quả điều tra, khảo sát tại 168 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn 13 huyện/thành/thị thuộc tỉnh, cho thấy đến năm 2013 có đến 90% số doanh nghiệp xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Chỉ có 10% Doanh nghiệp áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài; 10/168 doanh nghiệp (6%) có sản phẩm được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, 5/168 Doanh nghiệp (3%) có sản phẩm được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Trong khi đó, theo nhận định xu hướng toàn cầu hóa kinh tế sẽ tạo ra một số khó khăn, thách thức tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến sự phát triển của doanh nghiệp, đó là: Cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả trên địa bàn tỉnh; Thương hiệu, chất lượng và giá cả quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; Vì vậy, các nhu cầu từ phía các doanh nghiệp đối với hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ ngày càng gia tăng bao gồm các nội dung cụ thể như: Hư¬ớng dẫn áp dụng các công cụ, các mô hình quản lý chất l¬ượng tiên tiến; cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đánh giá sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2014 - 2020” được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện Chương trình Quốc gia về Năng suất và Chất lượng đạt hiệu quả cao trong toàn tỉnh.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang