Phục hồi nhanh ngành thủy sản hậu Covid-19

author 06:51 28/05/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên ngành thủy sản đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay không bị sụt giảm nhiều so với năm 2019.

Xuất khẩu thủy sản chịu tác động từ Covid-19

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu trong 3 tháng qua gây tác động mạnh đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao, lên tới 20-40%, đơn còn giao được cũng chỉ 50% hàng đi.

Những thị trường lớn bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc (-11%), EU (-18%), Hàn Quốc (-8%) và ASEAN (- 10%). Còn về mặt hàng, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên -27%, mực-bạch tuộc giảm 20%, cá ngừ giảm 16% trong khi xuất khẩu tôm chỉ còn tăng khoảng 2,9%. Các quy định giãn cách xã hội, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ dịch Covid-19 của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm.

Thêm vào đó, chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh

Ngành thủy sản đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay không bị sụt giảm nhiều so với năm 2019 (8,30 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các nhà đầu tư, tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ đều tin tưởng vào doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các biện pháp chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng, tiếp tục thả nuôi và tham gia sản xuất ngay khi dịch được kiểm soát, sẽ tạo nguồn cung kịp thời cho doanh nghiệp chế biến, các quốc gia tiếp tục nhập hàng thủy sản Việt Nam trong nửa cuối năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua, ngành xuất khẩu thuỷ sản đã vượt qua dịch Covid-19 và đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay không bị sụt giảm nhiều so với năm 2019 (8,30 tỷ USD).

 
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8 so với năm 2019.
 

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Hoài Nam cũng đề xuất các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính với Chính phủ và các bộ. Trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này có ý nghĩa và tác động rất lớn tới sự ổn định và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách đã có của Chính phủ; các gói cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động…). Việc thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ thủy sản.

Về hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới chuyển dịch sang Việt Nam.

Còn trong dài hạn, theo VASEP, Chính phủ và các bộ cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới; hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có giá thành nuôi tốt hơn; thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuỷ sản; nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông-thuỷ sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa…

Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang báo lãi ròng giảm 98% quý I/2020 (VietQ.vn) - Kết thúc quý I/2020, Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang ghi nhận lãi ròng giảm mạnh 98%, xuống chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang