Phương thức sản xuất Cell: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp

author 05:38 16/07/2020

(VietQ.vn) - Hệ thống sản xuất CELL hay còn gọi là phương thức sản xuất công đoạn là phương thức sản xuất chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh với một hay nhiều nhân viên.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Phương thức sản xuất Cell là gì?

Sản xuất theo công đoạn là một khái niệm liên quan chặt chẽ đến sản xuất tinh gọn. Sản xuất các sản phẩm tương tự bằng cách giải mã, chia sản phẩm thành các phần/ nhóm có thể được sản xuất một cách riêng biệt theo trình tự/ trạm máy móc, thiết bị.

Mục tiêu của phương thức này là tạo thuận lợi cho hoạt động, tối ưu việc di chuyển nhanh nhất có thể. Đây cũng là một khái niệm phổ biến trong nhiều nhà máy đang phấn đấu đẩy nhanh sản lượng hiện nay, dễ dàng được sử dụng trên quy mô nhỏ và vừa. Một số thiết kế phổ biến có thể được sử dụng linh hoạt cho nhiều trường hợp khác nhau, phụ thuộc vào việc xác định hình dạng của chuỗi sản xuất.

Cách sản xuất này liên quan đến việc sử dụng nhiều CELL theo kiểu dây chuyền lắp ráp. Mỗi CELL này bao gồm một hoặc nhiều máy khác nhau thực hiện một nhiệm vụ nhất định.

Sản phẩm di chuyển từ CELL này sang CELL khác, mỗi trạm hoàn thành một phần của quy trình sản xuất.

Ví dụ: Để sản xuất ra một sản phẩm gồm có 5 thành phần lắp ráp lại với nhau và cần thực hiện 10 bước để hoàn thành việc lắp ráp này. Khi đó, 10 bước này được nhóm lại thành một nhóm và đặt vào một CELL.

Thông thường các CELL được sắp xếp theo thiết kế “hình chữ U” vì điều này cho phép người giám sát di chuyển ít hơn và có khả năng dễ dàng theo dõi toàn bộ quá trình. Hầu hết các máy đều tự động, những thay đổi đơn giản có thể được thực hiện rất nhanh.

Phương thức sản xuất Cell: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp

 Phương thức sản xuất Cell giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp.

Áp dụng Cell để tăng năng suất chất lượng

CELL khác với hệ thống sản xuất khác cần dựa theo số lượng nhân viên; vị trí làm việc của mỗi nhân viên so với phương phức sản xuất khác, nhân viên làm việc sẽ không cố định do mỗi nhân viên đảm nhận nhiều hơn một công đoạn); phương thức CELL sẽ không sử dụng băng chuyền mà các công đoạn sẽ được sắp xếp linh hoạt. Mỗi công đoạn sẽ là một bàn làm việc riêng biệt.

Do vậy, tùy vào dạng chuỗi sản xuất và mục đích sử dụng, mỗi doanh nghiệp khi áp dụng nên chọn cách thức phù hợp. Chẳng hạn, chọn thiết kế CELL đường thẳng (Hình chữ I). Đây là kiểu bố trí cơ bản nhất và nó rất hữu ích khi chuỗi sản xuất có thể được chia thành một chuỗi dài các quy trình nối tiếp nhau liên tục, mà đầu vào của quy trình này là đầu ra của quy trình ngay trước đó. Trong trường hợp này, nếu không cần quan tâm đến tổng chiều dài của dây chuyền sản xuất thì đây là kiểu bố trí đơn giản nhất.

Hay chọn thiết kế CELL hình chữ U. Đúng như tên gọi của nó, sau khi kết thúc một vòng thực hiện thì lại quay 180 độ và chạy trở lại điểm xuất phát của nó. Kiểu bố trí này phù hợp hơn trong trường hợp có một bộ phận chịu trách nhiệm cho cả vận chuyển và xử lý, vì sử dụng bố cục luồng U cho phép việc tận dụng tối đa tình huống đó.

Hoặc chọn theo Serpentine. Đây là một mô hình giống như zig-zag kết hợp các đường thẳng và thiết kế dòng chữ U. Hoặc mô hình vòng tròn: một phiên bản của thiết kế dòng chữ U. Thiết kế này có thể dễ dàng phát triển thao tác theo tất cả các hướng.

Trong đó, khi doanh nghiệp áp dụng công cụ LINE BALANCING sẽ giúp cân bằng các công đoạn trong một dây chuyền sản xuất, làm thành một sản xuất trôi chảy, không xuất hiện bán thành phẩm hoặc sự chờ đợi. Chính vì vậy, công cụ này giúp nâng cao năng suất, hiệu suất và công suất, khối lượng công việc được phân chia đều, không bị thắt cổ chai và tiết kiệm diện tích mặt bằng vì không có bán thành phẩm tồn trên dây chuyền. Việc ứng dụng phương thức sản xuất này một cách hợp lý cho thấy, việc tổ chức quy trình sản xuất hợp lý có ý nghĩa hơn là đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm tăng năng suất lao động.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết kế một phương thức sản xuất hợp lý từ bố trí mặt bằng nhà xưởng đến việc bố trí máy móc thiết bị phù hợp, rút ngắn thời gian vận chuyển nguyên liệu từ kho vào dây chuyền sản xuất sẽ giúp tăng hiệu suất làm việc của công nhân như thế nào.

Th.s Ngô Văn Mạc
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin -Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang