PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung về ‘đáy’ sau 1,5 năm

author 09:45 22/07/2019

(VietQ.vn) - Trong BCTC quý II/2019, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung bất ngờ báo lỗ, doanh thu giảm 8% còn 2.962 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 6%, đạt 169,1 tỷ đồng. Đây là quý kinh doanh có lợi nhuận thấp nhất của PNJ tính từ quý IV/2017.

Doanh thu, lợi nhuận đồng loạt giảm

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019. Trong đó ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% còn 2.962 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của PNJ đạt 169,1 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Có thể thấy, đây là quý kinh doanh có lợi nhuận thấp nhất của PNJ tính từ quý IV/2017. Theo giải trình của báo cáo, doanh thu và lợi nhuận giảm do doanh nghiệp tập trung nguồn lực vận hành hệ thống ERP. Bên cạnh đó, kênh bán sỉ cũng bị giảm 23% và sức mua chung của thị trường đối với mặt hàng trang sức giảm.

Tính tới ngày 30/6/2019, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung không còn ghi nhận khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang từ Dự án hoạch định nguồn nhân lực ERP, trong khi con số này này tại ngày 1/1/2019 là hơn 56 tỷ đồng.

 Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lỗ trong quý II/2019. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2019 của PNJ có thể thấy sự biến động lớn ở một số khoản chi phí phát sinh trong kỳ. Cụ thể, PNJ ghi nhận 22,2 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khoản chi phí lãi vay tăng 90% do nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tăng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng của PNJ cũng tăng 67% lên 286 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên 116 tỷ đồng. Song nhờ giá vốn trên doanh thu giảm đáng kể từ 81,3% của quý II/2018 xuống 77,9% nên PNJ đã ghi nhận lãi gộp 636 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Dự án hoạch định Nguồn Nhân lực ERP vận hành không đem lại lợi ích như kỳ vọng

Trước đó, dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung và các cộng sự, PNJ khởi động Dự án Hoạch định Nguồn Nhân lực ERP, phần quan trọng nhất của chiến lược chuyển đổi số vào ngày 5/4/2018. Sau một năm nghiên cứu và hoàn thiện, hệ thống ERP được PNJ đưa vào vận hành từ cuối tháng 3/2019.

Tuy nhiên, các sự cố trong quá trình chuyển giao giữa 2 hệ thống cũ và mới dẫn đến tình trạng thiếu hàng để bán ở các cửa hàng và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý II của PNJ.

Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lợi nhuận sau thuế trong 5 tháng đầu năm 2019 của PNJ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng trong quý I/2019.

Kết quả kém khả quan này đến từ việc thiếu hàng tại cửa hàng do những trục trặc không lường trước được trong hoạt động sau khi triển khai hệ thống ERP mới vào ngày 27/3. “Lỗi số liệu trong thời gian chuyển đổi sang hệ thống ERP mới gây gián đoạn hoạt động trong tháng 4 và 5/2019. Ban lãnh đạo cho biết có một số lỗi khi số liệu được chuyển từ hệ thống cũ khác nhau của PNJ sang một hệ thống ERP mới.

Các lỗi số liệu này đã ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, việc tiếp nhận đơn hàng mới và phân bổ thành phẩm của PNJ trong hệ thống cửa hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hàng bán. Trong tháng 04/2019, nhà máy của PNJ chỉ hoạt động với 50% công suất so với trước khi đưa hệ thống ERP vào hoạt động hồi tháng 3. Tuy nhiên, trong tháng 5 con số này đã cải thiện về 80% và ban lãnh đạo dự kiến đến tháng 8 hoạt động sẽ hoàn toàn phục hồi”, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết.

PNJ sẽ có phương án mới “giải thoát” số tiền gần 400 tỷ “rót” vào DongABank?

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, PNJ tiếp tục thể hiện khoản trích lập dự phòng đầu tư vào Ngân hàng Đông Á (DongABank; ADB) lên tới 395 tỷ đồng. Đến quý I/2019, trong báo cáo tài chính, PNJ cũng cho biết những rủi ro mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh, trong đó khoản trích lập dự phòng 100% đầu tư vào cổ phiếu DongABank với số tiền hơn 395 tỷ đồng vẫn còn “mắc kẹt”.

Số tiền đầu tư của PNJ vào DongABank lớn dần, bắt đầu từ năm 2015. Thời điểm đó, trong báo cáo quý III, PNJ cho biết đã trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, PNJ tiếp tục nâng khoản trích lập dự phòng vào DongABank lên tới 141 tỷ đồng. Động thái này làm cho lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 107 tỷ đồng, tương đương 26% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý, khi chưa thể thu về số tiền đầu tư trên, PNJ tiếp tục đầu tư vào DongABank (2017) làm tổng vốn lên tới hơn 395 tỷ đồng. Khoản đầu tư này gấp 1,7 lần lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 của PNJ.

Như vậy, từ năm 2015 (thời điểm DongABank bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt), số tiền PNJ đầu tư vào nhà băng này hoàn toàn “mắc kẹt”. Cổ phiếu của nhà băng cũng không được phép chuyển nhượng nên PNJ đã trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư nói trên.

Mới đây ngày 21/4, trả lời các cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank) cho biết, PNJ không có liên quan gì đến DongABank, nếu PNJ có liên quan thì công ty đã không có được thành quả như hôm nay, tăng trưởng 2, 3 lần trong những năm qua. Thanh tra vào kiểm tra PNJ rồi, nếu có vấn đề sẽ có trong bản thanh tra của ngân hàng.

Bà Dung chia sẻ, các ngân hàng đã đóng băng giải ngân đối với công ty sau khi vụ việc xảy ra. Công ty đã phải huy động cán bộ công nhân viên, người thân cho vay để vượt qua giai đoạn khó khăn trong tháng 8, tháng 9. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện cho PNJ vay lại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu khoản tiền đầu tư trên vẫn mãi “nằm im” trong DongABank thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với lợi ích của cổ đông? Bởi đồng tiền nằm im là đồng tiền chết?

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang