PTT Vũ Văn Ninh nói về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Tương lai châu Á

authorGia Bách 19:08 21/05/2015

(VietQ.vn) - “Tại Biển Đông, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang có những diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Ưu tiên hoàn thành xây dựng AEC

Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 21 có chủ đề: "Châu Á sau năm 2015: Các nhiệm vụ cho hoà bình và thịnh vượng lâu dài" đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) sáng nay. Hội nghị do Tập đoàn truyền thông Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tổ chức để các bên trao đổi những phương hướng xây dựng một châu Á hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi một số nội dung có liên quan đến cộng đồng ASEAN, mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản và quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho phát triển bền vững của châu Á trong tương lai.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ưu tiên hoàn thành xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm nay (hiện nay đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, riêng Việt Nam đã hoàn thành hơn 93%).

PTT Vũ Văn Ninh nói về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Tương lai châu Á

PTT Vũ Văn Ninh nói về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: Hữu Thắng/ TTXVN

AEC là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của ASEAN với những đặc điểm là một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất với dân số hơn 600 triệu người và tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD; một khối kinh tế có sức cạnh tranh cao với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và minh bạch; một khu vực có sự phát triển kinh tế công bằng và hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua triển khai nhiều Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác, các nền kinh tế lớn.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp tạo dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tiếp tục là một động lực quan trọng thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đóng vai trò cửa ngõ kết nối Đông Á với Châu Âu và Châu Mỹ”.

AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, không chỉ cho doanh nghiệp ASEAN mà cho cả các doanh nghiệp ngoài ASEAN có cơ hội tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn, kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, hay các hiệp định đang trong quá trình hoàn tất như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cùng với nỗ lực chung của ASEAN, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ chế chính sách trong nước gắn với chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn như EU, Nga, Hàn Quốc, TPP, RCEP.

Nhật Bản có vai trò quan trọng với sự phát triển của cả khu vực

 Về quan hệ của ASEAN với Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Nhật Bản có vai trò quan trọng với sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là đối tác hàng đầu và có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam hoan nghênh việc Nhật Bản thắt chặt hơn nữa hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á thông qua nhiều cơ chế hợp tác, góp phần xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác phát triển toàn diện, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác hiệu quả và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN.

“Đối với Việt Nam, Nhật Bản luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu”, Phó Thủ tướng nói. Nhiều công trình quốc gia quan trọng của Việt Nam được Nhật Bản viện trợ phát triển như cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cảng nước sâu Lạch Huyện… đã đóng góp tích cực, tạo bước đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối khu vực của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chia vui với Nhật Bản khi thấy các chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đổi mới, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn. Nỗ lực cải cách kinh tế của hai nước sẽ thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương và mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ kinh tế, đầu tư thương mại, du lịch… mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

Trung Quốc đang gây ra các vấn đề bất ổn ở biển Đông

Trung Quốc đang gây ra các vấn đề bất ổn ở biển Đông. Trong ảnh, tàu của Trung Quốc tấn công tầu cá Việt Nam. Ảnh: S. T

Trong mối quan hệ tương quan giữa các quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết kinh tế châu Á sẽ không thể phát triển bền vững nếu không duy trì được hoà bình và ổn định tại châu lục. Ngoài ra, môi trường phát triển khu vực đang đối mặt với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhanh về dân số và nhu cầu duy trì tăng trưởng kinh tế, việc làm đã đặt châu Á trước những thách thức bảo đảm an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng.

Vấn đề Biển Đông đe dọa sự phát triển của khu vực

“Tại Biển Đông, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang có những diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng trao đổi cách thức xử lý những khó khăn trên khi đề nghị các quốc gia quan tâm đến các vấn đề chung của khu vực và thế giới; tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nước khác. Tăng cường hợp tác và tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia, dân tộc. Giải quyết bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Các nước cần thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác khu vực hiện có như: Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và ASEAN mở rộng (ADMM, ADMM+) nhằm chung tay xây dựng một cấu trúc và thể chế khu vực ổn định, bền vững.

Trong vấn đề Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua, các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Các quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích, hướng đến sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang