PTT Vương Đình Huệ: Tham nhũng vặt như 'con đê' có thể bị vỡ do những tổ mối nhỏ

author 06:22 16/08/2019

(VietQ.vn) - Nói về “tham nhũng vặt”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận và cho rằng “Tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào”.

Sự kiện: Kinh doanh

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 15/8), trả lời chất vấn của đại biểu về "tham nhũng vặt", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đều nhấn mạnh đến vấn đề "tham nhũng vặt". "Tham nhũng vặt" là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức, “tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào”.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH. Ảnh Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ví việc “tham nhũng vặt như con đê cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”; "tham nhũng vặt" có tác động làm phá hoại đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.

Bốn giải pháp phòng, chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, của cả “anh” thực thi và “anh” kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật.

Hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4... Có như vậy mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công "tham nhũng vặt". Bên cạnh đó, chúng ta cũng có hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, nhất là bổ nhiệm cán bộ đứng đầu.

Cuối cùng, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân với các phương tiện truyền thông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức, thay mặt cho Đảng và Nhà nước.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang